Trái ngược kết quả kinh doanh của hai doanh nghiệp mang họ 'Bản Việt'

Mặc dù xét theo tăng trưởng lợi nhuận, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) lép vế so với Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) nhưng xét theo hiệu quả kinh doanh, VCSC lại tỏ ra vượt trội hơn nhiều.

Trái ngược kết quả kinh doanh của hai doanh nghiệp mang họ 'Bản Việt'

Trái ngược kết quả kinh doanh của hai doanh nghiệp mang họ 'Bản Việt'

Quý III/2020, trong khi các "ông lớn" ngành chứng khoán đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ thì Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC, HoSE: VCI) lại ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan.

Lợi nhuận trước thuế quý III/2020 của VCSC chỉ đạt 116 tỷ đồng, giảm tới 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn sang các đối thủ, SSI đạt lợi nhuận trước thuế tới 421 tỷ đồng, tăng trưởng 27%; trong khi HSC ghi nhận 175 tỷ đồng, tăng trưởng 24%.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, lợi nhuận quý III/2020 của VCSC không mấy tích cực là do doanh thu từ hoạt động cho vay ký quỹ, tự doanh, tư vấn đầu tư và các phí dịch vụ khác đều giảm.

Cụ thể, lãi tự doanh giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 39 tỷ đồng.

"Doanh thu từ cho vay ký quỹ (giảm 39%) gây thất vọng, đặc biệt là khi các khoản cho vay ký quỹ tăng 2% lên 3.000 tỷ đồng và chiếm 45% tổng tài sản", báo cáo của Yuanta Việt Nam nhấn mạnh.

Mặc dù thu nhập ròng môi giới được cải thiện do chi phí giảm và mức phí môi giới có thể cao hơn, nhưng điều này không bù đắp được sự sụt giảm đáng kể của các mảng khác. Cùng với đó, điểm tiêu cực trong hoạt động môi giới là thị phần của VCSC sụt giảm mạnh, quý III chỉ đạt thị phần 6,7% trong quý III/2020, thấp nhất kể từ quý III/2014; trên sàn UPCoM, VCSC không còn nằm trong top 10 môi giới.

Lũy kế 9 tháng năm 2020, doanh nghiệp của Chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng đạt lợi nhuận trước thuế 516 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trái ngược với kết quả kinh doanh của VCSC, một doanh nghiệp mang họ "Bản Việt" khác là Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank, UPCoM: BVB) ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận quý III/2020 rất cao.

Cụ thể, trong kỳ, Viet Capital Bank ghi nhận lợi nhuận 75,8 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Tín dụng không phải là lực đẩy lợi nhuận của ngân hàng này trong quý vừa qua. Thu nhập lãi thuần chỉ tăng 2,2% bất chấp tăng trưởng tín dụng lên đến 12%, do chi phí huy động tăng mạnh hơn doanh thu tín dụng.

Các mảng phi tín dụng mặc dù ghi nhận tăng trưởng lãi thuần khá cao, đạt 33%, nhưng quy mô khá khiêm tốn, chỉ 63 tỷ đồng.

Do đó, chốt quý III/2020, tổng thu nhập hoạt động (cả tín dụng và phi tín dụng) trong kỳ của Viet Capital Bank chỉ tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 340 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhờ tiết giảm chi phí hoạt động (giảm 7,9%) nên lợi nhuận thuần trong quý của Viet Capital Bank đạt mức tăng 39%. Cùng với đó, chi phí dự phòng rủi ro giảm 1,1% cũng hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận, giúp lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi, như đã đề cập ở trên.

Lũy kế 9 tháng năm 2020, Viet Capital Bank đạt lợi nhuận trước thuế 138 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 2,98%.

Bên cạnh cương vị là Chủ tịch VCSC, hiện bà Nguyễn Thanh Phượng cũng đang là Thành viên HĐQT của Viet Capital Bank và là cựu chủ tịch của ngân hàng này.

Mặc dù xét theo tăng trưởng lợi nhuận, VCSC lép vế so với Viet Capital Bank nhưng xét theo hiệu quả kinh doanh, VCSC vẫn tỏ ra vượt trội hơn nhiều.

Cụ thể, với 4.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và đem về 516 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 9 tháng, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu 9 tháng của VCSC đạt gần 13%.

Trong khi đó, Viet Capital Bank với 3.840 tỷ đồng chỉ đem về 138 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 9 tháng, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu 9 tháng của ngân hàng này chỉ đạt 3,6%.

Thanh Long

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/trai-nguoc-ket-qua-kinh-doanh-cua-hai-doanh-nghiep-mang-ho-ban-viet-20180504224245622.htm