Trái ngọt từ ý Đảng lòng dân

Nam Đàn là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Nghệ An được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Thành quả đó có được là từ sự quyết tâm, nỗ lực, với những cách làm sáng tạo, hiệu quả của Đảng bộ và nhân dân quê Bác…

Theo quốc lộ 46, chúng tôi có dịp về với quê hương Bác Hồ kính yêu. Hai bên đường, trên những đồng lúa trải vàng, trĩu bông là những chiếc máy gặt đập liên hợp đang “chạy hết công suất” vào mùa thu hoạch. Hòa trong tiếng máy là những tiếng nói, cười cùng ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của người dân quê Bác khi có thêm một vụ mùa bội thu. Chuyển những bao lúa nặng trĩu từ ruộng lên xe, ông Phạm Đức Bình, ở xóm Mậu 6, xã Kim Liên chia sẻ: “Xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân chúng tôi đồng thuận làm cánh đồng mẫu lớn và đưa giống lúa có năng suất cao như Thiên Ưu 8, Thái Xuyên, Khang Dân… vào gieo trồng. Nhờ đó, mấy năm nay, nông dân chúng tôi đều có những vụ mùa bội thu. Năm nay gia đình tôi lại có điều kiện để mua sắm thêm được nhiều vật dụng nữa. Phấn khởi lắm các anh à!”.

Cảm nhận niềm vui của ông Bình, chúng tôi càng thêm phấn khởi khi trên con đường dẫn về Kim Liên - quê Bác, được rải nhựa phẳng lỳ, phong quang, sạch sẽ, dưới tán bóng mát rượi của dãy xà cừ cổ thụ thẳng tắp được người dân Nam Đàn trồng theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Hai bên đường là những làng quê trù phú, xen kẽ là những ngôi nhà mái ngói, mái tôn xanh đỏ, những đầm sen tỏa ngát hương thơm… Bức tranh làng quê đổi mới còn được “điểm thêm” bởi những dịch vụ hiện đại về tận thôn, xóm.

Chia sẻ về những đổi thay của xã nhà, đồng chí Trần Lê Chương, Chủ tịch UBND xã Kim Liên cho biết: “Năm 2014 xã Kim Liên được UBND tỉnh lựa chọn xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2015 - 2020. Đây là vinh dự của chính quyền và nhân dân xã để thực hiện lời căn dặn của Bác khi về thăm quê “Cán bộ và nhân dân Kim Liên phấn đấu thành xã kiểu mẫu, Bác sẽ về thăm”. Đến nay, chính quyền và nhân dân xã Kim Liên vui mừng báo công với Bác là xã nhà đã đạt 18/19 tiêu chí về xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu cuối năm 2019 đạt chuẫn xã nông thôn mới kiểu mẫu”.

Người dân Nam Đàn đưa máy cơ giới vào tiến hành thu hoạch lúa hè thu. (Ảnh: VĐ)

Người dân Nam Đàn đưa máy cơ giới vào tiến hành thu hoạch lúa hè thu. (Ảnh: VĐ)

Không chỉ ở xã Kim Liên, mà ở các xã Nam Tân, Nam Lộc là những địa phương có xuất phát điểm thấp khi bắt tay xây dựng nông thôn mới. Nhưng với sự đoàn kết, đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, giờ đây, cuộc sống của người dân không còn cảnh lam lũ, vất vả, thay vào đó là sự no ấm, đầy đủ và hạnh phúc hơn. Từ những luống rau thủy canh được áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, mô hình sản xuất rau sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Nam Anh, Xuân Hòa hay những vùng đất trống, bãi bồi trước bỏ hoang giờ thành vườn cam, ổi, táo, bưởi trĩu nặng quả... ở xã Nam Tân, Nam Lộc; những khu công nghiệp mới mở đã giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động phổ thông, các siêu thị, khu đô thị sầm uất... qua đó nói lên sự thay da đổi thịt của vùng đất nơi đây.

Tìm hiểu được biết, là huyện thuần nông, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, sản xuất manh mún nhỏ lẻ; khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Nam Đàn có điểm xuất phát thấp. Năm 2010 chỉ có 3/23 xã của huyện đạt 9 tiêu chí Nông thôn mới, còn lại 20/23 xã mới chỉ đạt từ 2 đến 8 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 17,5 triệu đồng/người/năm. Những bất cập về quy hoạch, cơ chế chính sách, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém tạo ra khó khăn lớn trong việc đầu tư, kêu gọi thu hút đầu tư, huy động nguồn ngân sách… để thực hiện Chương trình nông thôn mới.

Quyết tâm xây dựng Nam Đàn trở thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu như lời Bác dặn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Đàn đã chung sức đồng lòng, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - chính trị - xã hội. Từ một huyện thuần nông đến nay, bộ mặt Nam Đàn đã có nhiều thay đổi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,3%/năm, lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, an sinh xã hội, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, cơ cấu nền kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, trong đó giảm tỉ trọng trong nông nghiệp xuống còn 32,42%, tăng tỉ trọng của các ngành như tiểu thủ công nghiệp từ 29,97%, dịch vụ - thương mại từ 35,91%, nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới đạt 1.503,5 tỷ đồng... Các ngành kinh tế phát triển theo chiều hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%. Nhiều công trình trọng điểm và mô hình phát triển kinh tế hộ đang được triển khai bước đầu mang lại hiệu quả.

Để có được những con số ấn tượng đó, chúng tôi được đồng chí Đinh Xuân Quế, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: “Để Nam Đàn trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trái ngọt đó có được bằng chính sự đồng lòng, quyết tâm cao hợp với “ý đảng lòng dân” của toàn Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Nhiều biện pháp đã được chúng tôi đưa ra trong đó việc xác định người dân là “chủ thể” của chương trình, giúp người dân hiểu được rằng xây dựng nông thôn mới là xây dựng quê hương mình. Các nội dung, chương trình trong xây dựng nông thôn mới luôn đến với người dân, được người dân đóng góp, bàn bạc và thành quả người được thụ hưởng không ai khác chính là người dân. Toàn huyện đã hoàn thành 399.232m đường điện, 126.835m đường hoa, xây dựng 49.348m đường bê tông và đường nhựa và 102 cụm cổ động...”.

Hoạt động Lễ hội Làng Sen trên quê hương Bác. (Ảnh: VĐ)

Thực hiện lời dạy của Bác "Dễ trăm lần không dân cũng chịu - Khó vạn lần dân liệu cũng xong", đó cũng là tinh thần xuyên suốt mà Đảng bộ, chính quyền huyện Nam Đàn quán triệt trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình, Huyện ủy Nam Đàn đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-HU ngày 24/10/2010 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Nam Đàn giai đoạn 2010 - 2020. Việc phát huy vai trò của người đứng đầu các xã, thị trấn trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện chương trình của huyện được xem là giải pháp quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực của cán bộ, Ban chỉ đạo của huyện đã tổ chức nhiều đợt tham quan, học tập rút kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới, việc chuyển đổi hợp tác xã tại Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình cho các thành viên trong Ban chỉ đạo của huyện, xã; mở các lớp tập huấn xây dựng nông thôn mới cho cán bộ cấp xã, xóm...

Niềm vui càng được nhân lên khi Nam Đàn được Chính phủ chọn là một trong 4 huyện điểm Nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước trước năm 2025. Chia tay người dân Nam Đàn trong nắng chiều dịu ngọt. Trên những cánh đồng lúa trĩu hạt tiếng máy gặt đập liên hợp, nhiều xe ô tô chở lúa tấp nập trên đường... như làm cho bức tranh nông thôn mới trên quê hương Bác trở nên tươi đẹp hơn./.

Võ Đông

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/tu-tuong-van-hoa/trai-ngot-tu-y-dang-long-dan-527579.html