Trải nghiệm Tết cổ truyền Campuchia

Thủ đô Phnom Penh của Campuchia cách cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh vừa tròn 170km đường bộ. Đây là quãng đường gần để khách du lịch từ Việt Nam đến Thủ đô của Campuchia hưởng trọn không khí năm mới - Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer. Với một quốc gia giàu bản sắc văn hóa ở Đông Nam Á, dịp tết cổ truyền là cơ hội vàng để Campuchia thu hút khách du lịch, quảng bá văn hóa và hình ảnh của mình.

Một quầy hàng hoa dâng lễ trên chùa Vát Phnôm tại thủ đô Phnom Penh. Ảnh: Thụy Văn

Một quầy hàng hoa dâng lễ trên chùa Vát Phnôm tại thủ đô Phnom Penh. Ảnh: Thụy Văn

Phnom Penh - tên gọi Thủ đô của Campuchia có nguồn gốc từ tên một ngôi chùa cổ, nằm tại mảnh đất này. Chùa Vát Phnôm hay còn gọi là chùa Bà Pênh, nằm ngay trung tâm Thủ đô Phnom Penh, xây dựng năm 1373, chứa đựng trong đó dấu ấn lịch sử quan trọng của Phnom Penh. Ngôi chùa được bà Pênh - một quả phụ giàu có xây dựng trên một ngọn đồi nhân tạo. Sau một trận đại hồng thủy, đồi bị san thành bình địa. Từ một vài bức tượng Phật vớt lên trên dòng nước cuốn, dần dần người dân đã xây dựng nên ngôi chùa tên là Vát Phnôm (chùa trên đồi) và đây cũng là nguồn gốc tên gọi Phnom Penh sau này. Vì vậy, Vát Phnôm được xem là điểm đến đầu tiên đối với những ai muốn tiếp cận văn hóa, đời sống của đất nước Campuchia. Truyền thuyết trên cũng lý giải sự hình thành và tư tưởng sùng đạo Phật của nhân dân Campuchia, liên quan đến Tết Chôl Chnăm Thmây (Tết năm mới) của Campuchia theo lịch mặt trăng. Một năm mới khởi đầu bằng mùa mưa với ước nguyện mùa màng tươi tốt, mát lành, chứ không phải tết năm mới khởi đầu mùa Xuân như nhiều quốc gia châu Á khác.

Những điều thuộc về phong tục, tập quán riêng có của đất nước Campuchia trở nên thú vị với khách du lịch, buộc họ phải mất thời gian tìm hiểu, khám phá. Đối với người Khmer, ngày lễ đầu năm là ngày lễ về tôn giáo, là dịp tẩy sạch những xui xẻo của năm cũ, “đặt bước chân” vào năm mới thanh khiết, vui tươi hơn. Lấy chính nước nguồn để tẩy uế, để tắm mát. Chịu ảnh hưởng của đạo Bà la môn và đạo Phật, phái Tiểu thừa, huyền thoại Khmer lưu truyền câu chuyện về hoàng tử Thôm Ban phải giải đáp câu đố của các vị thần về 3 cái duyên của con người. Câu trả lời của thái tử rất đơn giản: Buổi sáng, cái duyên của mỗi người ở trên mặt, vì vậy khi trở dậy là rửa mặt. Buổi trưa cái duyên ở ngực, vì vậy buổi trưa tắm mát để tránh oi bức. Buổi chiều, duyên ở chân nên rửa chân trước khi đi ngủ. Lời giải đáp có ngụ ý về nguồn nước và vòng đời, vòng sinh diệt của loài người. Vì thế, lễ năm mới thường đi cùng với lễ tắm Phật trong các ngôi chùa. Và với người Khmer, chùa là nơi tụ hội, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, cũng là nơi cầu nguyện, gửi trao vòng sinh diệt, hạnh phúc và đau khổ trong cuộc đời họ.

Lễ hội té nước ở Campuchia được gọi là Bom Chaul Chnam với ý nghĩa, sau nghi lễ tắm Phật sẽ là té nước vào nhau để mong ước được gột rửa đi những nhơ bẩn của năm cũ, sạch sẽ tinh khiết cho năm mới. Vì vậy, lễ hội té nước được làm mới đi, trở thành lễ hội đường phố nhằm để khách du lịch hòa cùng nhịp sống với ngày tết của Campuchia, được hưởng ngày tết thú vị, được đùa nghịch với nước, té nước vào nhau mà không bị coi là khiếm nhã.

Hiện nay, các quốc gia Phật giáo Tiểu thừa đều có hệ thống chùa chiền lộng lẫy, kiến trúc đặc sắc. Bên trong chùa là các phù đồ lớn, dát vàng, bạc và các tín đồ chiêm bái hành lễ thường mang các miếng vàng đến dát lên tượng Phật và các phù đồ để cầu may mắn, phước lộc. Đạo Phật ghi chép lại, khi Đức Phật đắc đạo thì cắt tóc của mình đi, các đệ tử cất giữ các mớ tóc đó trong các tháp phù đồ. Ngày nay, các ngôi chùa linh thiêng Phật giáo Tiểu thừa đều được ghi lại là có cất giữ xá lợi, hoặc một phần cơ thể của Đức Phật.

Vì vậy, vào ngày tết năm mới, các gia đình tới chùa để đắp núi cát. Những ngọn núi cát này cũng tượng trưng cho các phù đồ lưu giữ mớ tóc của Phật đã đắc đạo. Các dòng họ lớn của dân tộc Khmer cũng đắp núi cát vào năm mới để kính Phật, cầu an. Những ngày năm mới, họ ở chùa, ca hát, nhảy múa, các vũ điệu truyền thống vui nhộn. Điều đặc biệt là người dân Campuchia sùng đạo kiêng cãi vã mâu thuẫn trong ngày tết, nên dịp này trên đất nước, khách du lịch dễ dàng tìm thấy sự thân thiện, mến khách, hiền hòa. Đây là một điểm khá quan trọng để thêm yêu đất nước của đền đài chùa tháp này.

Hoàng cung Campuchia là địa điểm tham quan mà khách du lịch ưa chuộng nhất tại Thủ đô Phnom Penh. Vào những ngày này, nhà cửa, đường phố dẫn đến những ngôi chùa và con đường dẫn đến Hoàng cung được trang trí lộng lẫy. Ngày đầu năm mới, người dân mặc đồ đẹp, lên chùa lễ Phật và nghe các nhà sư tụng kinh, chúc phúc, tham dự nghi thức tắm Phật. Sau đó, người dân bắt đầu té nước vào nhau thay cho lời chúc mừng năm mới.

Trong Hoàng cung, hoa tươi được thay mới hàng ngày. Người dân kính sư niệm Phật, tổ chức vui chơi giải trí với các lễ hội văn hóa suốt 3 ngày liền. Với xu hướng của thế giới là dịch chuyển sự chú ý về Đông Nam Á, hưởng thụ ngày tết cổ truyền của Campuchia đang được coi là một kì nghỉ đặc sắc cần trải nghiệm.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/trai-nghiem-tet-co-truyen-campuchia/