Trải nghiệm rồi mới khởi nghiệp

Những người muốn khởi nghiệp không nên chỉ dựa vào đam mê mà hãy có những bước chuẩn bị, trải nghiệm đi làm để lấy kinh nghiệm và thực hiện từng bước theo vòng đời doanh nghiệp, theo ý kiến của các diễn giả tại hội thảo 'Bí quyết thành công' trong sự kiện CEO Hội ngộ 2018 diễn ra hôm nay (8-12) tại thành phố Đà Nẵng.

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp tại hội thảo. Ảnh: Nhân Tâm

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG), chia sẻ khởi nghiệp dựa vào đam mê thì nên cẩn trọng. “Bạn đẻ ra đứa con, bạn luôn thấy đứa con đẹp và muốn bảo vệ nó, nhưng bạn nên cẩn trọng”, ông Tài nói và giải thích thêm bên cạnh đam mê, một doanh nghiệp khởi nghiệp nên làm ra cái thị trường cần.

Ông Tài chia sẻ con đường mà một nhà khởi nghiệp nên chọn là nên đi làm trước để lấy trải nghiệm. Trong thời gian 3-5 năm đi làm, không nên quan trọng tiền lương mà hãy đặt nặng vấn đề trải nghiệm, chấp nhận mọi công việc được giao.

“Thay vì bỏ tiền đi học các lớp khởi nghiệp thì đi làm để lấy kinh nghiệm. Bạn vừa có trải nghiệm để thực hiện hóa đam mê khởi nghiệp mà còn có được tiền”, ông Tài nói và cho biết sau khi đi làm thì chọn khởi nghiệp những gì thuận lợi để những năm đầu tiên có những đồng tiền đầu tiên để có động lực bước tiếp..

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Công ty Vinamit, cũng có suy nghĩ tương tự. Ông Viên cho rằng để có ý tưởng khởi nghiệp tốt thì phải chấp nhận làm việc khó. Ý tưởng sẽ đến từ giai đoạn bạn vượt khó trong công việc. “Việc này chỉ có thể làm được khi đi làm cho 1 doanh nghiệp nào đó”, ông Viên nói. “Phải tận dung thời gian này để làm việc khó, tích lũy kinh nghiệm về quản trị tài chính và nghiệp vụ… trước khi khởi nghiệp.

Đây cũng là tư duy đầu tiên mà ông Viên muốn nhắc đến trong 5 tư duy mà một nhà khởi nghiệp cần phải có. Bốn tư duy còn lại bao gồm Săn lùng cơ hội, Đầu cơ (Lấy ngắn nuôi dài), Sở hữu 1 tài sản riêng của chính mình (Ví dụ, phải sở hữu 1 miếng đất mới xây khách sạn cho thuê) và Tinh thần CSR, hướng đến cộng đồng.

Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Kido, chia sẻ vòng tròn doanh nghiệp gồm 10 giai đoạn từ Ý tưởng đến Thời kì đâùu tiên, Tăng trưởng, Trưởng thành, Hưng thịnh, Ổn định, Quý tộc, Thời kỳ đầu quan liêu, Quan liêu và Tử vong.

Mô hình vòng đời doanh nghiệp do ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido, giới thiệu. Ảnh: Nhân Tâm

“Giai đoạn quan trọng nhất để từ Ý tưởng đến Thời kỳ đầu tiên là có sản phẩm hay không và sau đó là từ sản phẩm đến thương phẩm”, ông Thành nói nếu không có sản phẩm và thương phẩm thì doanh nghiệp sẽ chết yểu. Bên cạnh đó, nếu quá trình này dài, nhà khởi nghiệp sẽ dễ tiêu hao vốn và dẫn đến mất vốn. Ông Thành cũng cho biết mỗi giai đoạn đều có nguy cơ. Từ Tăng Trưởng đến Trưởng thành sẽ xuất hiện bất đồng ý kiến, dễ tan vỡ. Từ Hưng Thịnh đến Ổn định dễ dẫn đến tư duy phát triển không còn, chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không quan tâm đến lợi ích lâu dài. “Để khắc phục, điều quan trọng là làm sao tạo ra sự đột phá”, ông Thành nói và cho biết Kido luôn phải đi theo công thức ma trận để tạo ra sự đột phá.

Ông Nguyễn Lâm Viên và ông Nguyễn Đức Tài cũng chia sẻ vấn đề đột phá và khởi nghiệp phải luôn được thực hiện khi doanh nghiệp đang trong giai đoạn phát triển. Ông Viên kể mặc dù hiện nay mít và sản phẩm từ mít đem lại cho công ty ông lợi nhuận 400 tỉ đồng mỗi năm, nhưng ông đã chuẩn bị cho mình những bước phát triển bền vững bằng cách đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học.

Trong khi đó, ông Tài đưa ra ví dụ MWG của mình cách đây 5 năm nhận thấy chuỗi Thế giới Di động đã đến lúc phát triển bão hòa. Và trong những năm qua, vai trò thúc đẩy cho MWG đến từ chuỗi Điện Máy Xanh và hiện chiếm 35% thị phần trong toàn công ty. Cũng trong giai đoạn này, công ty đang đi những bước đầu tiên để xây dựng thương hiệu Bách Hóa Xanh.

Nhân Tâm

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282675/trai-nghiem-roi-moi-khoi-nghiep.html