Trải nghiệm một ngày làm Đại sứ Thụy Điển của nữ sinh viên Hà Nội

Sinh viên Dương Phương Anh của Đại học Sư phạm Hà Nội vừa có cơ hội trải nghiệm một ngày làm việc của Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cũng như lắng nghe những chia sẻ của bà Ann Måwe về hành trình từ một cô gái bình thường trở thành Đại sứ.

Đại sứ Ann Måwe trao quyền cho sinh viên Dương Phương Anh. (Ảnh: T.P)

Ngày 3/10, tại Hà Nội, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam và tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức chương trình "Trao quyền cho trẻ em gái". Tại đây, Đại sứ Ann Måwe đã trao quyền Đại sứ cho sinh viên Dương Phương Anh, 20 tuổi, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tại sự kiện, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe cho biết rất vui và cảm thấy được truyền cảm hứng khi dành thời gian cùng Phương Anh, một nữ sinh viên Việt Nam mạnh mẽ khi tham gia vào sự kiện “Trao quyền cho trẻ em gái” hiện đang diễn ra tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Đại sứ Ann Måwe cũng nhấn mạnh Thụy Điển là một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra chính sách đối ngoại nữ quyền để thúc đẩy bình đẳng giới, giúp tất cả phụ nữ và trẻ em gái được hưởng đầy đủ quyền lợi mà họ xứng đáng.

“Chúng ta có ngày Quốc tế Phụ nữ và Quốc tế Thiếu nhi nhưng cả hai ngày này đều không công nhận vị trí đặc biệt của những em gái đang bị phân biệt chỉ vì giới tính của mình cũng như vì các em còn trẻ. Bất bình đẳng giới vẫn là một vấn đề nghiêm trọng. Trên khắp thế giới, sự hiện diện của phụ nữ và quyền tiếp cận tới các nguồn tài nguyên của họ vẫn còn nhiều giới hạn. Hãy chung tay hành động để trẻ em gái có thể có cơ hội học tập, lãnh đạo, phát triển và đưa ra quyết định”, Đại sứ nói.

Trong buổi nói chuyện với Đại sứ, sinh viên Phương Anh chia sẻ suy nghĩ của bản thân về phụ nữ và trẻ em gái trong vai trò lãnh đạo. Mặc dù khá hồi hộp với vai trò Đại sứ trong một ngày nhưng Phương Anh cho thấy sự tự tin khi thực hiện nhiệm vụ này.

"Mọi người thường nói rằng con gái thì chẳng cần học lên cao. Thành tựu lớn nhất của con gái là lấy được một người chồng tốt và có một gia đình hạnh phúc. Nhưng em luôn tự hỏi nếu như con gái chúng em không chỉ muốn một cuộc sống ổn định mà còn muốn được trở thành lãnh đạo thì sao. Em tin rằng trẻ em gái và phụ nữ hoàn toàn có thể trở thành lãnh đạo, chỉ cần có thêm nhiều tấm gương để học tập, cũng như có được sự ủng hộ từ gia đình và bạn bè”.

Dương Phương Anh thảo luận với Đại sứ Ann Måwe. (Ảnh: T.P)

Trong buổi chiều, Phương Anh đã cùng bà Ann Måwe thăm Trường THPT Vân Nội, huyện Đông Anh để tham dự phiên thảo luận của câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự Thay đổi” - sáng kiến của dự án Thành phố An toàn, Thân thiện và Bình đẳng cho trẻ em gái, được thực hiện bởi Plan International nhằm tập trung xây dựng môi trường an toàn hơn cho trẻ em gái và phụ nữ trẻ ở nơi công cộng. Tại đây, các em học sinh đã chia sẻ ý kiến về những câu ca dao, tục ngữ Việt Nam mà các em cho là bao gồm những khuôn mẫu giới.

Từ năm 2012, ngày 11/10 được Liên hợp quốc công nhận là ngày Quốc tế trẻ em gái với mục đích thúc đẩy việc trao quyền cho trẻ em gái. Plan International, một trong những tổ chức tiên phong về quyền trẻ em gái, đã nỗ lực trong việc vận động Liên hợp quốc công nhận. Để kỷ niệm ngày này, chuỗi hoạt động “Trao quyền cho trẻ em gái - Girls Takeover” đã được Plan International thực hiện trên phạm vi toàn cầu.

Kể từ khi chuỗi hoạt động bắt đầu, hàng trăm trẻ em gái trên toàn thế giới đã được đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo trong mọi lĩnh vực từ truyền thông, giải trí đến kinh tế và chính trị để thể hiện khát khao được bình đẳng. Tại Việt Nam, thông qua chuỗi hoạt động ý nghĩa này, từ năm 2016 đã có khoảng 520 trẻ em gái trên cả nước được trải nghiệm đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau tại các địa phương.

T.P

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trai-nghiem-mot-ngay-lam-dai-su-thuy-dien-cua-nu-sinh-vien-ha-noi-102163.html