Trải nghiệm lịch sử địa phương qua... tour xe buýt

Học sinh của 6 trường THPT tại Quận 1 và Quận 3 (TPHCM) cùng kết hợp thực hiện dự án Sài Gòn by bus. Đây là dự án học tập trải nghiệm phần lịch sử địa phương.

Học sinh, thầy cô tham quan các sản phẩm của dự án Sài Gòn by bus trong buổi tổng kết dự án ngày 17/11 tại Trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3, TPHCM. Ảnh: Phan Nga

Học sinh, thầy cô tham quan các sản phẩm của dự án Sài Gòn by bus trong buổi tổng kết dự án ngày 17/11 tại Trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3, TPHCM. Ảnh: Phan Nga

Qua lăng kính của học sinh, với hơn 100 video clip, 12 bản đồ, 32 brochure, 14 poster, những di tích lịch sử, công trình kiến trúc, cảnh đẹp, món ăn… của Sài Gòn hiện lên rất sinh động.

Hào hứng tham gia

Được triển khai từ tháng 10/2020, dự án đã nhận được sự hưởng ứng của học sinh đến từ các trường THPT gồm: Trường THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Trưng Vương, THPT Ten Lơ Man, THPT Lê Thị Hồng Gấm và THPT Bùi Thị Xuân.

Theo đó, tham gia dự án, học sinh được chia theo nhóm khoảng 6 - 8 em. Các em trải nghiệm bằng phương tiện công cộng như xe buýt, buýt sông, xe buýt mui trần 2 tầng… để khám phá cảnh đẹp, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa qua trang phục, ẩm thực… của Sài Gòn. Những trạm dừng như Bảo tàng Lịch sử, Bến Nhà rồng, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Dinh Thống Nhất, đền thờ Vua Hùng… hay những quán ăn lâu đời, những tiệm may áo dài, đồ vest… đã được học sinh tìm hiểu, “review” và ghi bằng những video, những bản đồ, poster hết sức công phu, đầy sáng tạo để giới thiệu đến mọi người.

Đơn cử như nhóm của lớp 11A1, Trường THPT Lê Quý Đôn gồm các thành viên Quốc Hưng, Quốc Việt, Trung Nguyên, Tường Vân, Xuân Nghi, Phương Du đã thể hiện một bài báo cáo dự án rất độc đáo qua Rap.

Quốc Việt - Quốc Hưng hai thành viên của nhóm đã viết lời cho bản Rap trong một buổi tối giới thiệu cảnh đẹp Sài Gòn gồm Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Dinh Thống Nhất, Trường THPT Lê Quý Đôn - ngôi trường 146 năm tuổi, qua video mà nhóm thực hiện. Các em cho hay, qua một số clip mà các nhóm khác thực hiện, đa phần sử dụng lời thoại, thuyết minh có phần đơn điệu nên nhóm đã nghĩ đến việc đọc rap tạo sự mới mẻ. “Thể loại Rap đang được nhiều bạn trẻ yêu thích, và bản thân chúng em cũng rất yêu Rap nên đã quyết định “phá cách” để giới thiệu về những cảnh đẹp Sài Gòn qua clip mà nhóm thực hiện”, Quốc Hưng nói.

Hay như gian trưng bày của Trường THPT Bùi Thị Xuân cũng gây ấn tượng bằng các cuốn tạp chí với đủ chủ đề thời trang, ẩm thực, không gian văn hóa Sài Gòn xưa và nay. Mỗi cuốn tạp chí được trình bày theo nhiều chương mục thể hiện sự phát triển của Sài Gòn ở từng góc cạnh với những mốc lịch sử quan trọng. Hình ảnh, tư liệu trong các sản phẩm này cũng được học sinh thu thập từ trải nghiệm qua các chuyến xe buýt.

Em Đắc Huy, nhóm của lớp 11A3, Trường THPT Bùi Thị Xuân chia sẻ, khi giáo viên khởi xướng dự án, nhóm rất hào hứng và thích thú, cùng trao đổi để lên ý tưởng. “Chúng em phải làm việc liên tục trong khoảng 2 tuần, phân chia từng thế mạnh, hứng thú của từng thành viên của nhóm để hoàn thành dự án”, Huy cho hay.

Nhiều em cho rằng, trải nghiệm học tập bằng xe buýt là điều vô cùng thú vị, bởi từ trước đến nay, các em chưa từng đi xe buýt. Khi tham gia dự án, đây là lần đầu các em đặt chân lên xe buýt, dừng tại các trạm. Các em nhận thức được việc sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân để góp phần giảm ùn tắc giao thông, vừa tiết kiệm và góp phần bảo vệ môi trường.

Học sinh tham quan các sản phẩm được trưng bày tại buổi tổng kết dự án Sài Gòn by bus.

Đổi mới dạy và kiểm tra đánh giá

Dự án dạy học với nội dung lịch sử địa phương đã tạo hứng thú cho học sinh khi tham gia. Cách học mới mẻ này không chỉ giúp các em có thêm kiến thức về lịch sử địa phương, về nét văn hóa truyền thống mà còn điều kiện cho học sinh rèn luyện kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tổ chức sắp xếp thời gian, công việc, sử dụng các phương tiện công cộng để khám phá lịch sử của TPHCM, phát huy được sở trường, năng lực của học sinh.

Trung Nguyên, thành viên của nhóm 11A1, Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) cho rằng, khi thầy cô khởi xướng dự án, nhóm đã rất hào hứng và đăng kí tham gia. Việc học lịch sử xưa nay mọi người vẫn nghĩ khá khô khan, nhiều bạn cho rằng đó là môn phụ. Nhưng với sự thay đổi của thầy cô, môn Lịch sử trở nên rất sinh động, dễ học, dễ nhớ và rất hấp dẫn, đầy ý nghĩa. Bên cạnh việc học tập, trải nghiệm, mỗi bạn trong nhóm đều có cơ hội để phát huy sở trường của mình như Rap, quay phim, dựng clip. “Chúng em cũng có thêm kỹ năng cần thiết như làm việc nhóm, giao tiếp, sử dụng CNTT…”, Nguyên nói.

Cô Phạm Thị Thanh Thảo, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) cho rằng dự án rất hay, ý nghĩa. Bên cạnh tìm hiểu các di tích, công trình kiến trúc, địa điểm nổi tiếng ở Sài Gòn, học sinh còn được tìm hiểu về văn hóa ẩm thực, trang phục…

Theo cô Thảo, qua thực hiện dự án cho thấy học sinh rất năng động, nhiệt tình, sáng tạo. Các em cũng có thêm nhiều kỹ năng mềm như làm việc nhóm, lập kế hoạch, biết được trình tự làm việc, kỷ luật và trách nhiệm, phân công hợp lý theo kế hoạch mình xây dựng.

Bên cạnh dành những lời khen về sự sáng tạo của các sản phẩm, cô Thảo cho rằng “các em đã phát huy được sở trường, năng lực của mình về CNTT, khả năng sử dụng tiếng Anh, có những em giọng đọc thuyết minh… rất hay khiến thầy cô rất bất ngờ”.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) một trong những người khởi xướng dự án chia sẻ, song song với đổi mới dạy học, qua việc triển khai thực hiện dự án cũng là hình thức để thầy cô thay đổi trong đánh giá, kiểm tra học sinh. Tổ bộ môn đã quyết định qua dự án để cho điểm kiểm tra định kỳ (hệ số 2) cho các em học sinh.

Thầy Du chia sẻ thêm, nếu chỉ làm một bài kiểm tra đơn thuần trên lớp chủ yếu là kiểm tra sự ghi nhớ kiến thức của học sinh. Nhưng thực tế, có nhiều em khả năng ghi nhớ chưa tốt, bài làm sẽ kém hơn các bạn nhưng lại có nhiều kỹ năng khác rất tốt. Vì vậy, để đánh giá một cách toàn diện học sinh, việc đổi mới các hình thức đánh giá là yêu cầu tất yếu, đòi hỏi các giáo viên phải chủ động thay đổi đánh giá bằng năng lực chứ không phải bằng kiến thức máy móc.

“Thế hệ học sinh bây giờ đã khác thế hệ của thầy cô. Vì vậy, người thầy không nên quá theo sát, bó buộc học sinh vào khuôn khổ mà hãy giữ vai trò là người định hướng, khơi gợi, truyền lửa để các em thể hiện sự sáng tạo, phát huy sở trường của mình”, thầy Du bày tỏ.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/trai-nghiem-lich-su-dia-phuong-qua-tour-xe-buyt-sGrKXh0Mg.html