Trải nghiệm kéo rùng trên biển

Đà Nẵng được thiên nhiên ưu ái ban tặng những bãi biển đẹp như tranh và đường bờ biển dài ôm lấy dãy núi Sơn Trà tạo nên một vùng trời nước bao la, quyến rũ lòng người. Những ai từng hòa mình trong làn nước trong xanh và tận hưởng không gian yên bình giữa một thành phố năng động sẽ bị lôi cuốn bởi một trong những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Đến với biển Đà Nẵng, chúng ta không chỉ được ngắm cảnh đẹp mà còn có thể trải nghiệm thêm những điều mới mẻ. Một trong số đó là việc trải nghiệm cùng ngư dân kéo rùng trên biển.

Kéo rùng khi ánh bình minh vừa ló dạng là một trong những hình ảnh đẹp nhất trên bãi biển vào mỗi buổi sáng sớm.

Kéo rùng khi ánh bình minh vừa ló dạng là một trong những hình ảnh đẹp nhất trên bãi biển vào mỗi buổi sáng sớm.

Khi ngày mới bắt đầu nhô lên, hội kéo lưới Tiên Sa lại tập trung xuống biển để kéo rùng bắt cá. Công việc này đòi hỏi phải có nhiều người cùng tham gia. Mỗi người mỗi việc, người thì chuẩn bị ngư cụ, người thì đẩy thuyền ra biển để giăng lưới, còn lại ở trên bờ để cùng nhau kéo rùng, công việc phải hoàn thành trước trời sáng để tránh cá lặn ra ngoài xa. Anh Hồ Ngọc Toàn (P. Chính Gián, Q. Thanh Khê) cho biết, khi lưới đã được giăng ra ngoài biển, mọi người trên bờ chia thành 2 tốp, mỗi bên nắm sợi dây to, nghiêng người trụ chân giữ chặt 2 đầu trên bờ. Kéo dần dần, phần dây thu lên thì người đứng cuối cùng đi xuống mé nước kéo dây và cứ thế luân phiên cho đến khi phần túi lưới nhô lên mặt nước, các loại cá, mực biển sẽ lọt vào trùng lưới. Để kéo được một bản rùng phải huy động hơn 10 người. Khi kéo, hội dùng thuyền thúng để lôi bản rùng từ bờ ra xa cách đất liền khoảng 300 mét rồi vòng lại. Khi 2 điểm đầu của bản rùng được giao cho 2 tốp trên bờ thì mới bắt đầu kéo lên. Kéo rùng là một dạng như kéo lưới nhưng khác ở chỗ đòi hỏi lưới phải rộng, to, số người tham gia đông, có sức kéo đều tay, phối hợp nhịp nhàng.

Nghề rùng cá là nghề truyền thống của ngư dân từ xưa. Trải qua bao thăng trầm, nghề rùng cá vẫn được gìn giữ bởi nhiều thế hệ ngư dân, tạo thêm thu nhập, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa trong đời sống người dân miền biển. Kéo rùng có thể thực hiện được nhiều lần trong ngày, có ngày gặp được mẻ cá lớn, nếu may mắn mỗi bản rùng có thể kéo được hàng trăm kg cá có giá trị cao. Anh Nguyễn Văn Hải, thành viên của Hội kéo lưới chia sẻ, trong tháng 7, trong lúc tham gia kéo lưới các anh em may mắn bắt được gần 40 kg cá đối. Theo giá thị trường, mỗi kg cá đối tươi bán tại chỗ cho khách du lịch khoảng 300 nghìn đồng, Hội đã thu được trên 10 triệu đồng. Anh Hồ Thịnh Toàn, một thành viên khác của Hội kéo lưới Tiên Sa cho biết thêm, hoạt động của Hội kéo lưới Tiên Sa là tập hợp những anh em yêu thiên nhiên, yêu biển, có chung sở thích kéo lưới, dã ngoại. Thông qua việc kéo lưới nhằm thắt chặt tình cảm, đem đến niềm vui, tiếng cười sau mỗi tuần lao động mệt nhọc.

Anh Huỳnh Đức Lâm (trú P. Mân Thái, Q. Sơn Trà) chia sẻ: “Hoạt động kéo rùng lưới vui tươi và lành mạnh, đem lại sức khỏe. Kéo một mẻ rùng lưới cần rất nhiều sức và tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng. Sau khi có thành phẩm, mọi người cùng nấu nướng, giao lưu với nhau những câu chuyện buồn vui của một tuần, xóa đi mọi ưu phiền trong cuộc sống và qua đó cũng hiểu thêm về đời sống của người dân chài và tình yêu của họ đối với biển cả, thêm yêu quê hương đất nước, yêu thiên nhiên, với họ biển là thiêng liêng, biển là nhà”. Được trực tiếp xem, trải nghiệm kéo một mẻ rùng chúng ta mới thấu hiểu phần nào những gian khó mà người dân chài phải vượt qua. Những con người trên một chiếc thuyền trở nên nhỏ bé trước biển trời rộng lớn. Dù gặp sóng lớn hay mưa gió vẫn luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau đưa nhau vượt qua khó khăn. Hương vị mặn mòi của biển cả, mùi thơm ngon của mực tươi và cả mong ước chinh phục biển khơi xa sẽ quyện vào giấc mơ của những người đi biển.

T.H

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_193556_.aspx