Trải nghiệm cùng tò he

Vượt qua quãng thời gian dài với bao thăng trầm của thời cuộc, người dân Xuân La vẫn lặng lẽ lưu giữ nghề nặn tò he truyền thống. Từ chỗ tưởng như mai một, làng nghề đã hồi sinh, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là 'Làng nghề Tò he duy nhất tại Việt Nam'.

Các con tò he ngộ nghĩnh và sinh động

Nổi danh làng nghề

Làng Xuân La thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 30 km về phía Đông Bắc bao năm nay đã lưu truyền câu ca dao: “Thứ nhất bánh đa, thứ nhì bánh cuốn, thứ ba chim cò”. Xuân La có nhiều nghề, nhưng nặn chim cò vẫn là nghề độc nhất vô nhị trên đất nước ta.

Trước đây, nặn tò he là nghề mưu sinh của những người nghèo vì không đòi hỏi vốn liếng nhiều. Từ nguồn nguyên vật liệu dân dã, rẻ tiền là bột gạo, với đồ nghề chỉ là một nắm que tre, chiếc lược nhỏ có chuôi…để gọn trong cái hòm gỗ nhỏ, người nặn chim cò có thể ngồi ở một góc nhỏ hành nghề. Nhờ sự khéo léo, nhanh nhẹn mà người Xuân La đã làm nên thương hiệu cho làng mình.

Lý giải về cái tên tò he, các cụ cao niên của làng cho rằng, ban đầu từ nặn chim cò, dần dần người ta sáng tạo ra nhiều thứ phong phú hơn, trong đó có cả cái kèn. Khi gắn một miếng lá vào miệng, làm dăm kèn, thổi lên sẽ phát ra âm thanh: Tò te!… Tò te!…biến âm thành tò he!… tò he!…

Các nghệ nhân làng Tò he

Càng về sau, sự sáng tạo càng nhiều hơn, từ vạn vật trong cuộc sống, từ hình hài những món đồ chơi mà trẻ con thích, người thợ tò he đã nặn ra đủ chủng loại con giống, hoa lá, thuyền rồng, nhân vật, tàu xe, nhà cửa...

Phát triển thương hiệu

Nghệ nhân hướng dẫn trẻ em nặn tò he

Trước đây, người thợ nặn tò he sử dụng nguyên liệu truyền thống, nhuộm bột nặn cho ra bốn màu cơ bản là vàng, đỏ, đen, xanh từ các loại lá, củ, quả. Tuy mất công sức và thời gian nhưng bột nặn lại không độc hại và màu sắc tự nhiên, bắt mắt. Bây giờ, nhiều người chuyển sang sử dụng màu thực phẩm công nghiệp vì tính tiện ích của nó.

Dòng nguyên liệu chính là bột nặn làm từ gạo như trước đây cũng có nhược điểm là tò he dễ bị nứt vỡ khi gặp thời tiết hanh khô, khó giữ được lâu. Các nghệ nhân làng đã không ngừng tìm tòi và đã chế ra một loại bột mới làm từ ngũ cốc để chế tác những món quà lưu niệm với ưu điểm có tuổi thọ cao hơn.

Sự tiếp nhận hào hứng của trẻ với món đồ chơi truyền thống là sự động viên tinh thần rất lớn với các nghệ nhân.Tham gia các hoạt động trải nghiệm, các em chăm chú tập trung cả tiếng đồng hồ cùng với cục bột nặn, để cố gắng tạo hình nhân vật của riêng mình. Nụ cười tươi rói của các em khi tự tay nặn được con tò he sinh động, ngộ nghĩnh khiến bao người vui lây trước món quà độc đáo mang hồn văn hóa một miền quê.

CLB Làng nghề nặn tò he được thành lập từ năm 2009 và đến nay có 119 hội viên. Họ đều là các nghệ nhân của 4 xóm trong làng, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, truyền cho nhau các kỹ năng làm nghề và tìm hướng phát triển, quảng bá thương hiệu làng nghề. Tạo ra một sản phẩm mang tính dịch vụ giá trị cao bằng chất liệu cao cấp và mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh để tò he du ngoạn nước ngoài là mục tiêu lâu dài mà các nghệ nhân trong CLB nhắm tới. CLB cũng tích cực phối hợp với địa phương trong tổ chức hiệu quả các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, đón tiếp các đoàn khách du lịch về thăm làng nghề.

Các nhân vật Tây Du Ký

Nét độc đáo của nghệ thuật nặn tò he chính là ở loại hình trình diễn tại chỗ. Tò he không giống như những mặt hàng khác làm sẵn tại nhà rồi mang đi bán mà được làm ngay tại chỗ khi khách hàng yêu cầu. Việc quan sát các nghệ nhân trổ tài véo, vê bột... quả là một điều thú vị và lôi cuốn khiến người xem khó rời mắt được. Chỉ trong vài phút, món to he rực rỡ mang hình thù ngộ nghĩnh được trao tay khiến trẻ em vô cùng thích thú. Nhờ đó, tò he có sức sống và sánh vai được với bao món đồ chơi thông minh, đặc biệt hấp dẫn khác.

Làng Xuân La đang là địa chỉ hấp dẫn để các nhà trường, các cơ quan đưa trẻ em về thăm làng nghề. Những khi có đoàn đông tới 200 học sinh, mọi hoạt động trải nghiệm sẽ được các nghệ nhân làng tổ chức ở sân đình, nhà văn hóa xã. Nếu là một nhóm nhỏ, CLB sẽ bố trí các em về nhà các nghệ nhân. Các em có thể tham gia đầy đủ 4 nội dung hoạt động, nghe các nghệ nhân giới thiệu về lịch sử và quá trình phát triển làng nghề, được học cách pha màu, xem nghệ nhân biểu diễn kỹ năng, nghệ thuật nặn tò he và cuối cùng là được tự tay thực hành.

Quỳnh Chi

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/trai-nghiem-cung-to-he-3953261-b.html