Trải nghiệm cùng 'Sắc màu Nhật Bản năm 2018'

Nằm trong chuỗi chương trình chào mừng kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, khán giả Việt Nam có thể cảm nhận phần nào chiều sâu văn hóa đất nước, con người xứ sở Hoa anh đào qua hai tập đầu tiên của chương trình truyền hình 'Sắc màu Nhật Bản 2018' vừa được phát trên sóng VTV3.

MC Lê Anh khi thực hiện “Sắc màu Nhật Bản 2018”.

Chương trình vẫn có nhiều điểm độc đáo ở phía trước với góc nhìn thú vị về văn hóa du lịch đáng được lưu tâm - như khẳng định của nhân vật trải nghiệm chính - MC Lê Anh, giảng viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.

- Từng chia sẻ hành trình trải nghiệm của mình trong “Sắc màu Nhật Bản 2018” là “hành trình khám phá không biên giới về văn hóa và con người”, Lê Anh có thể nêu những điểm nhấn minh chứng cho điều đó?
- “Sắc màu Nhật Bản 2018” nằm trong chuỗi chương trình hợp tác giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình TBS Nhật Bản chào mừng kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Với bản thân tôi, hành trình làm nhân vật trải nghiệm thực sự đem lại những cảm xúc đầy mới lạ, bất ngờ, từ những điều rất nhỏ. Có thể nói, người Nhật Bản cung cấp những sản phẩm văn hóa - du lịch rất có chiều sâu. Mọi câu chuyện ở đủ các lĩnh vực đều có thể trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch, ví như một nhà máy sản xuất rượu với lịch sử 700 năm, một ngôi làng chuyên nghề làm dao, hay một giếng nước thông với mạch nước ngầm từ núi Phú Sĩ... Tất cả đều trở thành tài nguyên du lịch, tạo nên những sản phẩm, những câu chuyện độc nhất vô nhị.

- Trong đó, tính chuyên nghiệp hẳn được đề cao?

- Đúng vậy. Ví như tính chuyên nghiệp của ê-kíp làm truyền hình thuộc Đài TBS. Tôi rất nể sức làm việc của họ. 21 ngày thực hiện các cảnh quay cùng phía Việt Nam, ngày nào họ cũng khởi động từ 5h và làm việc nghiêm túc, khẩn trương đến 21-22h mới nghỉ. Họ tranh thủ đọc, nghiên cứu kịch bản trên ô tô, xuống xe là ai vào việc nấy.

Chương trình “Sắc màu Nhật Bản 2018” tập trung vào trải nghiệm du lịch, và tôi có cơ hội thấy rõ sự chuyên nghiệp của người Nhật trong việc đặc biệt quan tâm đến phản hồi, cảm xúc thực sự của khách. Họ luôn đặt các câu hỏi để tìm hiểu về sức khỏe, sở thích, cảm nhận của khách, thể hiện sự quan tâm đến du khách từ những điều nhỏ nhặt nhất, khiến cho mỗi người khách cảm thấy mình thực sự là người quan trọng. Bản thân tôi đang hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu du lịch nên đặc biệt quan tâm đến cách họ đầu tư chất xám cho từng sản phẩm, từ việc học cách mặc trang phục truyền thống Kimono Nhật Bản cho đến nghiên cứu về trà đạo... Họ dành hàng giờ để hướng dẫn cho du khách một cách tỉ mỉ, chi tiết, kèm theo cả những câu chuyện đậm chất văn hóa về từng sản phẩm với tất cả sự tôn trọng, chu đáo. Chính sự tôn trọng đó khiến ta lúc đầu có thể cảm thấy không thuận tiện, mỏi mệt với những hình thức lễ nghĩa, nhưng dần dà lại bị cuốn hút và say mê tìm hiểu, và sẽ nhớ rất lâu về từng chi tiết đậm chất văn hóa đó...

- Đây chính là một góc nhìn tham chiếu đối với cách làm du lịch ở nước ta?

- Khi chúng ta cho khách nước ngoài thử áo dài, chúng ta có dùng những nghi thức, hướng dẫn họ cài hết nút áo một cách thực sự trân trọng chưa? Khi cho du khách vẽ mặt nạ tuồng, hóa trang thành nhân vật..., chúng ta có vẽ đúng, nâng niu từng chi tiết không? Có cung cấp một cách đầy đủ, cụ thể các câu chuyện văn hóa xung quanh từng nhân vật, từng sản phẩm văn hóa - du lịch cho du khách không?... Tôi muốn nói rằng, chúng ta có đủ sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn, có ý thức khai thác chúng, nhưng còn thiếu sự tỉ mỉ, trân trọng tới từng chi tiết, nâng tầm văn hóa trong từng hành động, bố trí, sắp xếp, cung cách thực hiện các sản phẩm đó như người Nhật. Nói cách khác, chính sự cẩu thả khi làm du lịch khiến các sản phẩm của chúng ta phần nào bị mất đi chiều sâu văn hóa. Đây là vấn đề rất cần được lưu tâm.

- Có kỷ niệm nào đặc biệt với Lê Anh trong hành trình trải nghiệm 21 ngày cùng “Sắc màu Nhật Bản 2018”?

- Tôi sẽ nhớ mãi kỷ niệm về cơn bão trái mùa 60 năm mới gặp một lần ở Nhật Bản, khiến một buổi quay ngoài trời ở Chiba phải lùi lại. Cơn bão lạnh ấy khiến tôi vô cùng ấn tượng về sự kiên định của người Nhật, cách ứng xử của họ với thiên tai: Bình tĩnh đón nhận, sơ tán trong trật tự, ôn tồn, tĩnh lặng, yêu thương nhau. Không chút bối rối. Thực sự đáng để học hỏi về cách đoàn kết, đồng lòng cùng nhau vượt khó, hướng về tương lai.

Tôi cũng ấn tượng với các vật phẩm văn hóa - du lịch của họ, từ chai nước ngon lành sạch sẽ, cho đến hộp đựng bữa ăn trưa - rất ngon, trình bày rất đẹp, khiến du khách cũng muốn giữ vỏ hộp làm... đồ lưu niệm! Người Nhật cũng rất thích tặng quà. Họ không tặng những món quà quá giá trị, tránh gây cảm giác mắc nợ nhau. Nhưng họ luôn tặng quà - những món quà nhỏ, chẳng hạn như cái bút chì, chiếc cốc uống nước nhỏ... - tất cả được bọc rất đẹp, thể hiện sự chú ý, quan tâm và ý nghĩa liên quan món quà họ tặng.

- Cảm ơn Lê Anh!

Sắc màu Nhật Bản 2018 gồm 6 tập, mỗi tập 30 phút, phát sóng vào 16h20 thứ sáu hằng tuần, bắt đầu từ ngày 19-1-2018 trên kênh VTV3. Sau 2 tập đầu tiên, các hành trình khám phá tiếp theo lần lượt là tỉnh Shizuoka (phần 2, 2-2-2018); tỉnh Oita (9-2), tỉnh Nagasaki (23-2) và tỉnh Yamanashi (2-3).

* Theo Trưởng ban Thư ký Biên tập Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Hà Nam, "Sắc màu Nhật Bản 2018" còn được phát nhiều lần trong năm 2018 trên các hạ tầng khác nhau của VTV, các kênh VTV9, VTV8, VTV4, VTV2, môi trường số, báo điện tử...

Thu Minh thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/892214/trai-nghiem-cung-sac-mau-nhat-ban-nam-2018