Trải nghiệm bơi thuyền trên sông Ba Chẽ

Dịp cuối tháng 12/2020, tôi có dịp trải nghiệm bơi thuyền trên sông Ba Chẽ khi tham gia Lễ hội Bàn Vương. Đây thực chất là tái hiện hành trình 'Vượt biển' của người Dao đến vùng đất mới để lập nghiệp...

Ở các huyện khác trong tỉnh, người Dao thường chọn vị trí vùng cao để sinh sống và thường chỉ thạo việc rừng, còn người Dao ở Ba Chẽ lại rất thông thạo sông nước và họ xây dựng làng bản bên bờ sông.

Do vậy, cuộc trải nghiệm trên sông Ba Chẽ của chúng tôi trong Lễ hội Bàn Vương cũng là việc tái hiện hành trình “Vượt biển” của người Dao đến vùng đất mới để lập nghiệp. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn huyện, Lễ cúng Bàn Vương được phục dựng và tổ chức với sự tham gia của nhiều dòng họ, làng bản có người Dao sinh sống tập trung, nhằm lưu giữ nguồn gốc lịch sử, văn hóa của dân tộc. Đồng thời là dịp con cháu cầu nguyện Sư tổ phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, hoa màu tươi tốt, mọi người khỏe mạnh sống chan hòa, ấm no, hạnh phúc.

Đoạn sông Ba Chẽ qua khu vực xã Nam Sơn rất rộng, có nhiều ngày sương mù.

Đoạn sông Ba Chẽ qua khu vực xã Nam Sơn rất rộng, có nhiều ngày sương mù.

Sông Ba Chẽ là con sông lớn của tỉnh, bắt nguồn từ các khu rừng nguyên sinh của Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng (TP Hạ Long) và cả huyện Đình Lập của tỉnh bạn Lạng Sơn. Dòng sông uốn quanh suốt chiều dài của huyện với hơn 80km theo hướng Tây Bắc - Đông Nam rồi đổ ra biển Đông. Những ngày mùa đông, lòng sông chìm trong màn sương, mờ mờ ảo ảo tựa như chốn hư vô.

Chương trình “Vượt biển” được bắt đầu từ bến thuyền khu vực Miếu Ông thuộc thôn Cái Gian, đi theo đường sông đến miếu Bàn Vương tại thôn Sơn Hải (xã Nam Sơn). Theo truyền thuyết, người Dao ở Ba Chẽ có 12 họ và cùng “vượt biển” đến các vùng đất mới, nên Ban tổ chức lễ hội cũng đã sử dụng 12 con thuyền trong lễ hội.

Nếu như khu vực đầu nguồn con sông Ba Chẽ, lòng sông nhiều chỗ mực nước rất thấp, thì ở khu vực xã Nam Sơn, từ miếu Ông đến miếu Bàn Vương sông rộng ra, có thể đi được tàu lớn. Những ngày sương mù dày đặc, ta khó hình dung mình đang đi thuyền trên sông, mọi vật trên bờ không nhìn rõ được, mờ mờ ảo ảo thỏa chí tưởng tượng của con người. Bên bờ sông từ lâu đã hình thành các làng bản của người Dao với những cái tên Sơn Hải, Cái Gian, Làng Mới, Khe Sâu.

Năm 2020, từ Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, huyện Ba Chẽ đã xây dựng miếu Bàn Vương và Nhà truyền thống cộng đồng tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn. Trước mắt, công trình nhằm đáp ứng nhu cầu chiêm bái của cộng đồng người Dao trên địa bàn huyện Ba Chẽ và tỉnh Quảng Ninh, sau để phát triển du lịch.

Có lẽ, đây sẽ là hướng phát triển mới của du lịch Ba Chẽ, du khách khi đến Miếu Ông – Miếu Bà sẽ được đi thuyền thưởng ngoạn cảnh đẹp trên sông. Với nhiều du khách, họ thích sự hoang dại của sương mù giăng giăng.

Chị Trần Thị Hà, một du khách Hà Nội đi cùng trên thuyền chúng tôi bảo: "Lần đầu tiên tôi được trải nghiệm bơi thuyền trên sông Ba Chẽ, cảm giác thật thư thái khi được tách biệt ra khỏi xã hội ồn ào. Tôi nghĩ nếu địa phương mở tuyến du lịch thế này sẽ được nhiều người ủng hộ".

Bến cập tàu, thuyền thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, được huyện Ba Chẽ xây dựng năm 2020, nhằm giúp người Dao bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch.

Trước đây, đa phần các thôn bản ven sông không có đường bộ mà phải đi bằng thuyền. Vậy là ở thôn Làng Mới, cũng là thôn người Dao bám theo bờ sông của xã Nam Sơn đã hình thành nghề truyền thống đóng tàu thuyền. Tuy chỉ phát triển với quy mô nhỏ nhưng lại là nghề cứu cánh một thời, tạo ngư cụ cũng như phương tiện đi lại cho hầu hết người dân các thôn bám mặt sông, làm các nghề đánh cá, bắt cua ốc trong các khu rừng ngập mặn.

Làng Mới có lò sứ cổ đã có cách đây hơn 100 năm, nhưng từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lò sứ không hoạt động, rồi ngủ bình yên đến gần nửa thế kỷ dưới những tán rừng già và lau lách.

Tháng 6/2013, Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Sở KH&CN và Viện Khảo cổ học – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã tiến hành khảo sát Lò sứ cổ này. Các mẫu vật thu được, được nghiên cứu bằng phân tích thành phần hóa học tại Phòng thí nghiệm và xác định niên đại của Viện Khảo cổ học rồi đưa ra kết luận: “... Chất lượng xương sứ Ba Chẽ hàng đầu Việt Nam và tương đương với chất lượng đồ sứ Trung Quốc giai đoạn thế kỷ 19. Đây là di tích có tính chất đặc trưng về công nghiệp chế tác đồ sứ, đặc biệt là lò nung có quy mô lớn nhất Việt Nam thời điểm lò gốm hoạt động”.

Vậy là đi thuyền trên sông Ba Chẽ, du khách sẽ có nhiều trải nghiệm, nếu ta đi thuyền tiếp tục ngược về đầu nguồn con sông phía xã Lương Mông, du khách còn có thêm nhiều trải nghiệm như ngắm thác Khe Lạnh (xã Thanh Sơn), thác Đá Vuông (xã Đồn Đạc), thác Khe Ốn, thác Khe Lào (xã Thanh Lâm) giữa cảnh núi rừng bao la đầy nét hoang sơ của Ba Chẽ...

Công Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/202101/trai-nghiem-boi-thuyen-tren-song-ba-che-2515875/