Trải nghiệm bắn 'nỏ thần An Dương Vương' ở Cổ Loa

Các sinh viên vô cùng thích thú trong lần đầu tiên được trải nghiệm bắn nỏ ngay tại Khu Di tích Cổ Loa, Hà Nội.

Gần 150 sinh viên Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN mới đây được tham gia buổi trình diễn loại nỏ bắn nhiều tên cùng lúc, một sáng chế mà theo kỹ sư Vũ Đình Thanh, có cách vận hành tương tự chiếc nỏ thần Liên Châu thời An Dương Vương.

Đây là hoạt động trải nghiệm thực tế do Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt tổ chức tại Khu Di tích Cổ Loa với mong muốn đưa sinh viên đến gần hơn với lịch sử, văn hóa dân tộc.

Sinh viên nghe giới thiệu về cơ chế hoạt động của loại nỏ bắn nhiều tên cùng một lúc.

Sinh viên nghe giới thiệu về cơ chế hoạt động của loại nỏ bắn nhiều tên cùng một lúc.

Nỏ được làm dựa theo hình ảnh ống tên trong các lễ hội rước nỏ thần của người Cổ Loa xưa. Các mũi tên mô phỏng mũi tên Cổ Loa niên đại cách đây 2.300 năm.

Nguyên lý của nỏ này là gây ra chuyển động đồng loạt các mũi tên với vận tốc cực lớn mà không dùng lực của dây nỏ đẩy trực tiếp lên từng mũi tên như tất cả các loại cung nỏ thông thường.

Mũi tên chỉ khoảng 10cm, thế nhưng cứ mỗi loạt bắn, 8 mũi bay cùng lúc, có thể vượt khoảng cách 100m, trước khi đâm vào bia.

Nguyên lý hoạt động của nỏ này là lực của ống tên tác động vào các mũi tên đặt trong ống khiến mũi tên bay đi. Lực càng lớn thì mũi tên bay càng xa.

Mũi tên khi được bắn với vận tốc cực lớn sẽ gặp sức cản không nhỏ của không khí. Nếu mũi tên là tre nứa thì sẽ bị liệng, còn bằng đồng là vừa đủ để xé được sức cản không khí mà không quá nặng để bay được xa và gây thương tích lớn khi đâm vào người và vật liệu lý tưởng.

Tận mắt nhìn cách vận hành nỏ, các sinh viên không khỏi thích thú. Thậm chí, nhiều em bất ngờ bởi cách vận hành của nỏ khác so với tưởng tượng trước nay.

Trực tiếp bắn nỏ, em Hoàng Thị Lý Linh (sinh viên năm thứ ba K65 Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt) chia sẻ trải nghiệm thú vị: “Trước khi bắn thử, em nghĩ người mình bé thế này liệu có thể bắn được cái nỏ to như thế không. Nhưng thật không ngờ, chùm mũi tên mà em bắn ra lại có thể bay xa được như thế, với khoảng cách hơn 100m”.

Hoàng Thị Lý Linh (sinh viên Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt) trải nghiệm bắn nỏ.

Linh cho hay dù ngành học là nghiên cứu chung về văn hóa Việt Nam song em cũng chỉ biết đến nỏ thần qua truyền thuyết hoặc các bài học sách vở, chứ chưa biết nguyên lý vận hành ra sao.

“Khi đọc truyền thuyết, em không hiểu người ta dùng 10 cung, hay 1 cung có nhiều cánh cung, rồi đặt từng mũi tên hay cả bó tên để bắn ra. Việc trải nghiệm giúp em hình dung rõ hơn.

Trước đây, em nghĩ mũi tên phải dài khoảng 40-50cm, nhưng mũi tên ngắn khoảng 10cm cũng có thể tạo nên tính sát thương rất cao. Trải nghiệm thực tế, em càng hiểu hơn, từ cách đây khoảng 2.300 năm, ông cha ta đã rất sáng tạo khi chế tạo ra những vũ khí chống lại kẻ thù”, Linh kể về trải nghiệm của mình.

Thiết kế trọng tâm dồn về phía trước khiến cho mũi tên khi bắn ra khỏi nỏ bay hướng về phía trước. Với cách bắn cầu vồng, mũi tên từ nửa quỹ đạo đi xuống luôn hướng đầu về mục tiêu vì đầu nặng, cán nhẹ.

Thầy Bùi Văn Tuấn, Phó Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN) cho hay hàng năm, ngoài các chương trình thực tập, thực tế chính khóa, sinh viên ngành Việt Nam học còn được khoa tổ chức các hoạt động ngoại khóa theo kinh phí khoa học cơ bản nhằm tạo cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử, không gian văn hóa vùng miền... Từ đó, giúp sinh viên liên hệ tốt hơn các kiến thức được học; có nhận thức sâu sắc, toàn diện và phông kiến thức rộng về đất nước, con người Việt Nam; tìm ra các đặc trưng của từng không gian văn hóa - xã hội cụ thể phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội.

“Chúng tôi mong muốn sinh viên ngày càng có nhiều hoạt động thực tập, thực tế và được trải nghiệm nhiều hơn để khi tốt nghiệp ra trường, các em không chỉ đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước mà còn có thể trở thành các chuyên gia Việt Nam học, có thể tư vấn được cho các tổ chức quốc tế, quốc gia trên thế giới có được cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn về lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam”.

Thầy Tuấn cho hay, ngoài buổi trải nghiệm này, khoa cũng có chương trình cho sinh viên đi thực tế gắn với từng vùng miền và bối cảnh cụ thể.

Chia sẻ với VietNamNet, kỹ sư vũ khí Vũ Đình Thanh cho hay ông rất vui với việc cho các sinh viên được trải nghiệm hoạt động bắn nỏ thực sự, chứ không chỉ trên phim ảnh. Ông hy vọng hoạt động này giúp sinh viên có góc nhìn rõ hơn về lịch sử đất nước.

“Cứ mỗi lượt bắn, tôi muốn tái hiện phần nào lịch sử vẻ vang của dân tộc để các em sinh viên trực tiếp cảm nhận điều đó. Tôi hy vọng các em có thể nhận thấy và tự hào rằng tổ tiên chúng ta cũng là những người rất giỏi, thông minh và sáng tạo không thua kém các dân tộc khác”.

Theo kỹ sư Thanh, một trong những hạn chế của cách dạy học truyền thống là đất nước ta có nhiều lịch sử hào hùng nhưng chưa được thể hiện cho giới trẻ hình dung, cảm nhận đúng nghĩa. Sách lịch sử thường mới chỉ đề cập đến tinh thần chiến đấu, nhưng chưa khởi dậy được tinh thần sáng tạo khoa học kỹ thuật đồng hành.

“Tìm hiểu về nỏ thần không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu một thứ vũ khí của ông cha ta mà đó còn là minh chứng cho thấy một đất nước rất phát triển từ thời xa xưa”.

Các sinh viên có trải nghiệm lý thú với mô hình nỏ vận hành tương tự chiếc nỏ Liên Châu thời An Dương Vương.

Ông Thanh mong muốn buổi trải nghiệm với mô phỏng vũ khí dân tộc sẽ giúp các sinh viên thêm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/sinh-vien-mo-mang-tam-mat-voi-trai-nghiem-ban-no-tai-co-loa-2102320.html