Trái ngang trên rừng

Sau 15 năm triển khai trồng rừng theo 'Dự án 661', tại Quảng Trị đã xảy ra tình trạng khiếu kiện do mâu thuẫn lợi ích từ việc khai thác rừng.

Xã Hải Sơn (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) là vùng đất hiểm trở tiếp giáp với tỉnh Thừa Thiên-Huế, giàu truyền thống cách mạng. Năm 2004 người dân nơi đây phấn khởi thực hiện chủ trương của Chính phủ trong dự án trồng 5 triệu ha rừng toàn quốc.

Từ lá đơn kêu cứu!

Hầu hết diện tích của xã Hải Sơn được bao phủ bởi một màu xanh mướt, đó là thành quả của dự án 661 trồng 5 triệu ha rừng toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ quyết định vào ngày 29/7/1998.

Xã Hải Sơn bắt đầu triển khai dự án từ năm 2004, được giao đất, giao cây giống, bà con phấn khởi khai hoang, vỡ đất trồng rừng vì lý do: Dự án sẽ mang lại sinh kế ổn định trong nay mai, lại phù hợp với sở trưởng của địa phương có lợi thế kinh tế rừng. Ý Đảng hợp lòng dân là thế!

Sẽ rất tốt đẹp nếu như quyền và lợi ích chính đáng của một bộ phận nhân dân được tôn trọng. Tuy nhiên, quá bất lực, ngày 7/11/2019, 32 hộ dân tại thôn Khe Mương đồng tình ký “ĐƠN TRÌNH BÀY” gửi đến báo Diễn đàn Doanh nghiệp - Cơ quan ngôn luận của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

"Đơn kêu cứu" do 32 hộ dân ở thôn Khe Mương, xã Hải Sơn (Hải Lăng, Quảng Trị) gửi đến Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

"Đơn kêu cứu" do 32 hộ dân ở thôn Khe Mương, xã Hải Sơn (Hải Lăng, Quảng Trị) gửi đến Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Để kêu cứu! Để giải bày những khúc mắc mà lâu nay họ - hàng chục lần lên tỉnh, xuống huyện vẫn không tìm được câu trả lời nào thỏa mãn.

Theo đó, đến năm 2012, các nhóm hộ khác thuộc xã Hải Sơn cùng thực hiện dự án 661 nhưng đã được khai thác và trồng lại 3 đợt. Riêng 50,8 ha của 41 hộ ở Khe Mương không được khai thác!

Từ năm 2012 đến nay, người dân đã gửi hàng chục lá đơn thỉnh cầu đến cấp xã, huyện, tỉnh nhưng không có câu trả lời thỏa đáng. Giữa năm 2019, bà con vào thăm rừng (cách nơi ở khoảng 20km) phát hiện xe múc, xe ủi san đường chuẩn bị khai thác!?

Hàng chục người dân kiên quyết bảo vệ rừng

Gần 2 ha rừng đã bị khai thác mà chưa có ý kiến của người dân!

Theo đơn trình bày, bà con tìm hiểu thì được biết Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Nam Thạch Hãn (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị) đã đưa toàn bộ diện tích rừng của 41 hộ ra bán đấu giá.

Đáng nói, việc đấu giá rừng không hề lấy ý kiến của nhân dân, trong khi đó họ từng đổ mồ hôi sôi nước mắt đề trồng nên. Nhiều người dân đã bức xúc vì không được khai thác, nay lòng như lửa đốt khi tài sản vun trồng 15 năm có nguy cơ mất trắng!

Ngày 29/7/1998 Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Phải ký quyết định số 661/QĐ-TTg về "Mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng", gọi tắt là "Dự án 661".

Theo Điều 2, Khoản 1 của QĐ này "Nhân dân là lực lượng chủ yếu trồng, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và hưởng lợi ích từ nghề rừng. Nhà nước tạo môi trường pháp lý thuận lợi; tổ chức nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; có các chính sách khuyến khích người làm nghề rừng; hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách hoặc vốn tín dụng ưu đãi; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu".

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 7, đối với rừng sản xuất "Hộ đầu tư trồng rừng sản xuất là chủ rừng, có quyền quyết định thời điểm và phương thức khai thác rừng, nhưng phải có nghĩa vụ tái tạo lại rừng trong phạm vi không quá 2 năm sau khi khai thác".

Nam Tiến

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/quang-tri-nuoc-mat-cua-rung-ky-i-trai-ngang-tren-rung-du-an-661-161293.html