'Trái ngang' khi giới nghệ thuật muốn nhựa tồn tại vĩnh viễn

Trong khi nhựa bị coi là gây tổn hại đến môi trường sống, thì tại các bảo tàng, một số người lại đang tìm cách kéo dài vòng đời của vật liệu này.

Trong số 8.300 triệu mét khối nhựa được sản xuất ra cho tới thời điểm này, khoảng 60% đang “trôi nổi” trên các đại dương hoặc nằm tại các bãi chôn rác thải. Hầu hết chúng ta đều muốn những đồ vật bằng nhựa biến mất càng sớm càng tốt và không để lại những tác động xấu đến môi trường sống. Nhưng tại các bảo tàng, nơi hiện vật cần phải được trường tồn bất chấp thời gian, những tác phẩm làm từ nhựa đang đối mặt với nhiều thách thức.

Một trong những “bảo vật quốc gia” của nước Mỹ được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Mỹ là bộ quần áo mà phi hành gia Neil Armstrong mặc khi bước những bước đầu tiên trên Mặt trăng, hiện đang bị hư hỏng nghiêm trọng. Nguyên nhân đến từ chính các vật liệu nhựa được sử dụng để làm nên 21 lớp khác nhau cho bộ trang phục. Theo thời gian, nhựa trở nên giòn, dễ vỡ, bong tróc mặc dù đội ngũ chuyên gia bảo tàng đã sử dụng rất nhiều biện pháp để làm chậm lại quá trình này.

Georgina Rayner, một nhà khoa học tại Bảo tàng Nghệ thuật Harvard cho biết, “chất liệu nhựa đang đi tới thời điểm kết thúc trong vòng đời của mình”. Trong tất cả các vật liệu, nhựa là thứ “khó nhằn” nhất đối với các chuyên gia bảo tồn do tính chất hỏng hóc khó dự đoán và diễn ra theo nhiều dạng khác nhau.

“Xét về những hiểu biết liên quan tới thời gian tồn tại của vật liệu, nhựa có một lịch sử rất ngắn nếu so sánh với các vật liệu khác”- Hugh Shockey, người đứng đầu bộ phận bảo tồn ở Bảo tàng nghệ thuật Saint Louis nói.

Bộ trang phục của Neil Armstrong

Kim loại, đá, sứ và giấy có thể tồn tại hàng nghìn năm, trong khi nhựa chỉ có thể duy trì được trong hơn 150 năm. Tuy nhiên, đây lại là một trong những chất liệu được sử dụng nhiều nhất trong cuộc sống ngày nay. Không ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều tác phẩm nghệ thuật và hiện vật được làm từ nhựa.

“Bạn có rất nhiều tác phẩm trong các bảo tàng làm từ nhựa, đặc biệt là những hiện vật mang tính lịch sử… Tuy nhiên, có thể gìn giữ được chỉ riêng trong về mặt chất liệu là một thách thức” - Odile Madden, một nhà chuyên gia bảo tồn nhựa tại Viện Bảo tồn Getty, Los Angeloes cho biết.

Bà Madden hiện đang dẫn đầu một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu các biện pháp có thể giữ cho nhựa… tồn tại vĩnh viễn.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/trai-ngang-khi-gioi-nghe-thuat-muon-nhua-ton-tai-vinh-vien-360495.html