Trải lòng của những nữ cửu vạn 'oằn mình' mưu sinh trong đêm khi Covid diễn biến phức tạp

12h đêm, khi mọi người đang chìm sâu vào giấc ngủ cũng là lúc những nữ cửu vạn ở chợ Long Biên mò mẫm chuẩn bị đòn gánh, xe kéo bắt đầu cho cuộc mưu sinh. Tuy dịch bệnh diễn biến căng thẳng nhưng những người đàn bà ấy vẫn miệt mài làm việc xuyên đêm, 'đánh vật' với nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng trên đôi vai gầy.

Những nữ cửu vạn ngồi bên xe kéo. Ảnh: Hữu Thắng

Những nữ cửu vạn ngồi bên xe kéo. Ảnh: Hữu Thắng

Nhọc nhằn “vắt sức” mưu sinh

Khi màn đêm buông xuống, âm thanh cuộc sống trong phố nhỏ dần cũng là lúc chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) dần tấp nập, huyên náo. Vừa bước đến cổng chợ, chúng tôi giật mình bởi tiếng còi xe liên hoàn cùng với tiếng hò hét vọng ra từ những gian hàng. Từng đoàn xe tải nối đuôi nhau chở hàng, từng đợt người chen chúc nhau ra vào, tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp của chợ đêm.

Len lỏi trong đoàn người mua bán là những nữ cửu vạn đang còng lưng kéo xe hàng nặng đến điểm tập kết của thương lái, chủ hàng. Dù nét khắc khổ hiện rõ lên khuôn mặt từng người, dù mồ hôi ướt đẫm áo nhưng họ vẫn tập trung vào công việc. Dường như, họ đã quá quen với công việc này nên thoăn thoắt bốc dỡ hàng. Chỉ sau ít phút, các chị đã “thanh toán” xong những thùng hoa quả đầy ắp mà nếu lười lao động chân tay, nam giới nhìn vào cũng ngại.

Không ai nghĩ những người phụ nữ chân yếu tay mềm có thể gánh trên vai gần trăm cân hàng, thế nhưng đó lại là công việc thường ngày của những nữ cửu vạn nơi đây. Công việc nặng nhọc tưởng chừng chỉ dành cho những người đàn ông sức dài vai rộng, nhưng vì miếng cơm manh áo mà những người phụ nữ này không quản ngày đêm, miệt mài “vắt sức”.

Bà Lê Thị Hoa (50 tuổi) cho biết, bà đã gắn bó với công việc cửu vạn ở chợ Long Biên này được hơn chục năm. Xoa xoa đôi bàn tay đỏ hằn nguyên vết dây thừng, bà kể: “Chúng tôi phải liên tục kéo xe, vác dỡ hàng nên chuyện xước chân tay là bình thường. Thời gian đầu đi làm chưa quen, tay chân sưng phồng, vai đau nhức không ngủ được. Nhiều hôm mệt rã rời nhưng cứ có người thuê là lại lao vào gánh, dù biết về nhà sụn lưng, thân mình ê ẩm nhưng nhọc nhằn mấy cũng không sợ bằng thất nghiệp, nếu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng ở quê thì ăn cũng chẳng đủ, chứ không nói đến chuyện cho con cái đi học”.

Bà Hoa cho biết thêm, giá của những kiện hàng oằn lưng ấy cũng không đáng là bao, một thùng nhỏ từ 5 – 6kg có giá 2.000 đồng, thùng từ 15kg có giá 5.000 đồng, còn nặng hơn nữa sẽ được trả từ 7.000- 10.000 đồng. Trung bình mỗi buổi tối bán mồ hôi công sức bà cũng chỉ kiếm được 200.000 đồng.

Những người phụ nữ làm cửu vạn thường bắt đầu công việc từ 2 - 3 giờ sáng. Ảnh: Hữu Thắng

Chật vật mưu sinh mùa dịch

Đi đến gần cuối chợ chúng tôi thấy chị Phạm Thị Yến (quê Hưng Yên) đang ngồi thẫn thờ trên chiếc xe kéo, gương mặt đẫm nét u sầu. Hỏi ra mới biết chị đang lo lắng vì dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, công việc sẽ khó khăn hơn. Gạt vội giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt, chị tâm sự, chồng chị mất sớm, một mình chị bươn chải ngược xuôi để lo cho mẹ già và hai đứa con. Mấy trăm nghìn chị kiếm được mỗi đêm vừa lo chi tiêu sinh hoạt thường ngày, vừa lo cho các con ăn học. Dù chắt chiu từng đồng nhưng gia đình chị vẫn trong cảnh “thiếu trước hụt sau” các con vẫn phải chịu bữa no bữa đói.

Khó khăn chật vật là thế nhưng chị luôn coi chợ Long Biên như “ngôi nhà thứ 2”, vì nghề khuân vác là con đường duy nhất để chị Yến kiếm sống qua ngày và giúp các con được học hành tử tế.

Kể từ khi Hà Nội ghi nhận ca Covid-19 mới, tiền công của chị sụt giảm hẳn vì “ế người”, chủ hàng không mướn. “Mỗi tháng tôi phải đóng 472.000 đồng tiền xe kéo cho Ban quản lý chợ. Ai cũng lo lắng vì dịch bệnh nên chợ vắng, những người cửu vạn như chúng tôi cũng ít việc hơn. Dịch bệnh khó khăn chung, chuyện kéo xe đi rồi kéo xe về không còn lạ nữa. Giờ ít khách và ít việc hơn trước nên nhiều hôm tôi chỉ kiếm được vài chục nghìn để mua đồ ăn. Bây giờ, tôi chẳng dám mong gì nhiều, chỉ mong kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống qua mùa dịch thôi”, chị Yến ngao ngán nói.

2h sáng, chúng tôi tạm biệt những nữ cửu vạn để trở về nhà. Những âm thanh hỗn tạp dần xa, nhưng hình ảnh những người phụ nữ gồng mình mưu sinh trong đêm vẫn ám ảnh trong tâm trí tôi. Dường như, trong ánh mắt của họ luôn đau đáu những nỗi lo lắng, trăn trở về công việc mưu sinh ngày càng khó khăn hơn.

Phương Ly

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 7 (33)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/trai-long-cua-nhung-nu-cuu-van-oan-minh-muu-sinh-trong-dem-khi-covid-dien-bien-phuc-tap-a335908.html