Trải lòng của những giáo viên 'vượt sóng' cùng trẻ tự kỷ

Có giáo viên không đứng trên bục giảng, cũng không có kỳ nghỉ hè, nhưng họ vẫn phải đóng vai trò là người dạy dỗ, người bạn tâm giao, lại như mẹ hiền dạy học trò những kỹ năng sống đơn giản nhất. Mỗi ngày qua đi, những giáo viên dạy trẻ đặc biệt ấy đều phải nỗ lực, cố gắng từng chút với niềm hy vọng về một ngày, học sinh của mình sẽ giống như các bạn khác, trở thành những đứa trẻ có thể đến trường để học tập, vui chơi, lớn lên và trưởng thành.

Tiết học vận động của cô và trò ở Đơn nguyên Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Ảnh: Việt Hương

Những giáo viên... ở bệnh viện

Trong căn phòng rộng rãi, sạch sẽ của khu Đơn nguyên Tâm bệnh, thuộc Khoa Thần kinh - Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, chúng tôi nghe tiếng nô đùa của các bạn nhỏ khi cùng nhau tập một bài vận động đơn giản. Để quản lý, những giáo viên ở đây liên tục phải nhắc các học trò xếp hàng, ngồi xuống và chú ý lắng nghe, quan sát. Một vài em không hợp tác òa khóc, gào thét... Trước những cơn “bùng nổ” của học trò, các cô giáo nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi lớp, massage làm dịu thần kinh của bé. “Mình phải tự kiềm chế mình, nhẹ nhàng và nhẹ nhàng, nếu không mọi công sức sẽ đổ đi hết, vì những đứa trẻ này chỉ cần xúc động mạnh là bệnh sẽ nặng hơn” - cô giáo Lê Thị Lan chia sẻ.

Rời khỏi phòng vận động trị liệu hoạt động nhóm, chúng tôi đến phòng ngôn ngữ trị liệu cá nhân. Một cô, một trò, mặt đối mặt để thu hút sự chú ý của trẻ, giao tiếp với trẻ bằng mắt, dạy cho trẻ những cử chỉ đơn giản như: cách phát âm, chỉ tay bằng ngón trỏ, cách phân biệt màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng... trong trò chơi lắp ghép hay cách nói một câu đầy đủ có nhân xưng... Mọi thứ lặp đi lặp lại đủ để các em ghi nhớ, bắt chước và làm theo, nhưng có những đứa trẻ mặc dù được ngồi ngay ngắn học cùng cô, nhưng chốc chốc, ánh mắt lại nhìn về phía khác...

Theo lời cô Lan, những đứa trẻ đến đây khám và điều trị ngoại trú có các tình trạng, biểu hiện khác nhau, có trẻ biểu hiện rõ các dấu hiệu của trẻ tự kỷ, có những trẻ chậm nói/chậm phát triển ngôn ngữ, tăng động, giảm chú ý, chậm phát triển tâm thần... Gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với các em hằng ngày mới thấy, có những bé đã 3 - 4 tuổi nhưng chưa phát triển ngôn ngữ, chưa nói được những câu đơn giản trong giao tiếp hằng ngày, có em đã lên 6 - 7 tuổi nhưng nhận biết giống như trẻ 1 - 2 tuổi, không có nhiều kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp; có em trên 10 tuổi, ngoại hình cao lớn nhưng vẫn chưa phân biệt được màu sắc, nhận biết thế giới xung quanh; có những em lại rụt rè, không dám gặp người lạ, không dám nhìn cô giáo nhưng có lúc hiếu động quá mức, thúc đầu vào tường hoặc cào, cắn cô giáo...

Khi trẻ được đưa đến đây, các bác sĩ chuyên khoa sẽ khám, đánh giá và tư vấn cho phụ huynh biết trẻ đang gặp vấn đề gì về phát triển, đồng thời tư vấn cách thức điều trị ngoại trú và can thiệp tâm lý cho những trẻ mắc chứng tự kỷ, chậm nói, tăng động, giảm chú ý... Nhiệm vụ của các giáo viên dạy trẻ đặc biệt đó là xây dựng các chương trình ngôn ngữ trị liệu và hoạt động trị liệu. Có em chỉ học riêng một chương trình, nhưng có em sẽ được kết hợp cùng lúc nhiều chương trình giáo dục. Mỗi tuần, mỗi tháng, các cô đều ghi nhật ký, thông báo tình hình học tập của con cho phụ huynh để cùng kết hợp với gia đình có những biện pháp can thiệp cho hiệu quả. “Để việc giảng dạy có hiệu quả, thay vì cố bắt trẻ theo một giáo án cố định đã chuẩn bị sẵn thì giáo viên phải linh loạt thay đổi một số bài dạy để phù hợp với tâm lý, cảm xúc của trẻ. Đó là cách để cô bước vào thế giới riêng của trẻ, hiểu trẻ và cùng với trẻ chơi, học những kỹ năng xã hội hàng ngày” - cô Lan nhấn mạnh.

Nhẹ nhàng xoa đầu cậu bé tên T., cô Lan trìu mến hỏi “T. có yêu cô Lan không?”, T. cười, đôi mắt nhỏ hít tịt lại, dụi đầu vào người cô biểu thị sự thích thú, miệng phát ra những âm thanh ú, ớ, không tròn vành, rõ chữ nhưng người nghe vẫn hiểu được đó là “yêu”. T. là con một người đồng nghiệp trong bệnh viện, cậu bé đã 7 tuổi nhưng sinh ra đã không được may mắn như những đứa trẻ khác. Hằng ngày, bố đi làm cũng là lúc T. được đưa đến đơn nguyên tâm bệnh để được đi học với những cô giáo ở đây, được vui chơi cùng các bạn khác. Có lẽ vì gắn bó với các cô giáo khá lâu rồi nên T. hiểu được lời các cô nói, chỉ có điều em không thể diễn đạt điều đó bằng lời.

Cũng là một đứa trẻ không may mắn nhưng câu chuyện của cậu bé tên Thóc lại thật buồn. Thóc 5 tuổi nhưng không sống cùng bố mẹ. Bố mẹ em đã ly hôn sau khi có kết luận chính xác về tình trạng tự kỷ của con. Thóc được bà nội nuôi dưỡng và cũng chính bà nội song hành cùng em trong quá trình điều trị tại đây. Lúc bà nội đưa Thóc đến, em coi như không có ai xung quanh mình, không nói chuyện, không giao tiếp, chỉ trốn vào góc, nếu cô đến gần, em sẽ chạy vòng quanh nhà hoặc bột phát cơn giận dữ. Hơn 1 tháng, Thóc mới chịu hợp tác với các cô giáo và phải mất 3 tháng, Thóc mới có phản ứng lại với những lời cô giáo nói. Mỗi thay đổi, tiến bộ nhỏ của các con cũng khiến các cô giáo mừng rơi nước mắt. “Niềm vui của chúng tôi chỉ đơn giản là đến lớp các con biết chào cô, cuối buổi học thì biết đi dép, đội mũ khi phụ huynh đến đón về... và quay lại vẫy tay “bai bai” cô... Sự tiến bộ của các con với chúng tôi không phải tính bằng ngày, bằng tuần mà đó là thời gian kiên trì cả tháng, cả năm với những thay đổi từng chút, từng chút một ở ánh mắt, cử chỉ, lời nói của từng bạn nhỏ” - cô Lan chia sẻ.

Cần lắm những vòng tay từ cộng đồng

Ở Đơn nguyên Tâm bệnh, thuộc Khoa Thần kinh - Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa có tổng số 17 cán bộ, nhân viên, trong đó có 1 bác sĩ CKI, 2 cán bộ tâm lý và 14 giáo viên giáo dục đặc biệt, điều dưỡng. Các cán bộ ở đây đều có trình độ từ đại học trở lên. Khi được hỏi về những vất vả hay khó khăn khi học sinh của mình là những đứa trẻ đặc biệt, các cô giáo đều cười thay cho câu trả lời. Cười vì không biết nói như thế nào cho người khác hiểu, cười vì những tình huống không nằm trong một giáo án nào, cười vì những vất vả đã như chuyện thường ngày. Dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy một trẻ tự kỷ còn khó gấp trăm lần. Thế nên để có thể bám trụ với nghề, đòi hỏi tấm lòng, tình yêu vô bờ bến cho những đứa trẻ đặc biệt mới mong muốn giản đơn rằng các em có thể hòa nhập, phát triển bình thường cùng bạn bè trang lứa.

Các cô dạy trẻ tự kỷ đã cố gắng để giúp đỡ các con nói và làm từng việc nhỏ nhất, học các động tác vận động đơn giản nhất... nhưng đó mới chỉ là nền tảng ban đầu, điều quan trọng nhất trong giáo dục trẻ tự kỷ không chỉ phụ thuộc vào giáo viên mà còn phải nỗ lực từ phía gia đình và xã hội.

Được biết, tại Thanh Hóa, nhu cầu các gia đình đưa con đến khám, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị, tư vấn tự kỷ và các rối loạn thường gặp ở trẻ nhỏ, như: chậm nói/chậm phát triển ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý, rối loạn giấc ngủ, rối loạn Tic, chậm phát triển tâm thần... ngày càng tăng. Trung bình, lưu lượng khám tại đơn nguyên tâm bệnh là từ 400 - 500 trẻ/tháng, mỗi ngày đơn nguyên tiếp nhận và điều trị ngoại trú cho khoảng 90 - 100 trẻ có các chứng rối loạn khác nhau, trong đó có nhiều trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ.

Một thực tế hiện nay đó là không phải những người làm cha, mẹ nào cũng hiểu đúng về chứng rối loạn phổ tự kỷ. Nhiều phụ huynh khi cho con đến học đã bỏ qua “giai đoạn vàng” để can thiệp tốt nhất, có gia đình khi con mới đến nhờ bác sĩ can thiệp được một, hai tháng đã đòi hỏi phải có kết quả và tỏ thái độ không bằng lòng. Khi đó, các cô phải kiên trì để phụ huynh hiểu và kết hợp giáo dục các em hiệu quả. “Một trong những cái khó của chúng tôi là nhiều bố, mẹ không chấp nhận việc con mình bị mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ và các rối loạn khác, dẫn đến việc trốn tránh đưa con đi điều trị hoặc không kiên nhẫn theo đuổi các biện pháp can thiệp. Hiện chứng tự kỷ chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng chúng ta có thể cải thiện sự phát triển của trẻ bằng các liệu pháp can thiệp sớm ở lớp học. Vì thế, điều chúng tôi mong mỏi nhất là nhận được sự phối hợp, đồng hành từ phía gia đình; cái nhìn đồng cảm với trẻ tự kỷ từ những người xung quanh. Bởi, sự kỳ thị hay tẩy chay trẻ tự kỷ sẽ giết chết tương lai của các cháu” - bác sĩ CKI Trần Thị Minh Anh nói.

Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/trai-long-cua-nhung-giao-vien-vuot-song-cung-tre-tu-ky/132674.htm