Trải lòng của người phụ nữ hiến tạng chồng cứu người từng nhận lời cay đắng

Chị Giang - Người phụ nữ hiến tạng chồng cứu người với đôi má hóp, gương mặt già hơn tuổi, nước mắt thành dòng chia sẻ bản thân chị đã thấy được an ủi phần nào khi phải đối mặt với điều tiếng 'bán tạng chồng lấy tiền'.

Những ngày qua, câu chuyện anh Ngọ Văn Soái, sinh năm 1982 (thôn Ngọ Xá, xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang)- hiến tạng cứu sống 4 người khác đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Anh Ngọ Văn Soái hiến tạng cứu 4 bệnh nhân.

Anh Ngọ Văn Soái hiến tạng cứu 4 bệnh nhân.

Hành động hiến tạng cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, nhưng trường hợp của gia đình anh Soái cũng gặp phải không ít điều tiếng, khiến các con anh thậm chí không đến trường vì những lời bàn ra tán vào.

Ngày 10/10, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, bệnh viện Viện Đức, Ủy ban Nhân dân huyện Hiệp Hòa, Ủy ban Nhân dân xã Châu Minh (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã tổ chức buổi lễ truy tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho anh gia đình anh Ngọ Văn Soái.

Tại buổi lễ, chị Nguyễn Thị Giang (SN 1987, vợ anh Soái) chia sẻ trong nghẹn ngào: “Hôm 29/9, chồng tôi bị tai nạn trên đường về nhà. Dù chồng đã chết não, nhưng còn một tia hy vọng nhỏ tôi vẫn quyết tâm đưa chồng ra bệnh viện Việt Đức, nhưng bác sĩ đã lắc đầu ngay khi gặp và anh chết não rồi, không còn gì nữa”.

Được các bác sĩ chia sẻ về những người bệnh chờ chết nếu không có tạng để ghép, gia đình anh đã viết đơn đề nghị được hiến mô, tạng cứu người.

Anh Soái đã hiến 1 tim, 1 gan, 2 thận, 2 giác mạc, 10 gân và 3 đoạn mạch máu (gân và mạch máu đang lưu trữ ở ngân hàng mô). Nhờ nguồn tạng hiến của anh Soái, đến nay đã có 4 người bệnh được ghép tạng và sự sống được hồi sinh.

“Ban đầu nghe thông tin hiến tạng chồng, tôi sốc lắm, cảm giác bấy giờ đau xót, muốn chết đi được. Lúc đó chẳng nghĩ được gì, bị giằng co giữa ý niệm cứu sống người khác và thương xót anh. Biết là phải cứu người nhưng mà vẫn cứ thương anh. Bởi việc hiến tạng này tôi chỉ thấy trên báo chứ ở huyện chắc chưa ai làm. Nhưng rồi, cuối cùng gia đình cũng quyết định hiến tạng để cứu những người bệnh khác”, chị Giang nói trong nghẹn ngào.

Chị Giang chia sẻ trong nghẹn ngào.

Từ khi hiến tạng chồng cứu người cũng là lúc gia đình chị Giang nhận nhiều điều tiếng, như “bán tạng chồng kiếm tiền tỷ, vài trăm triệu”, rồi con không dám đi học vì bị bạn bè dè bỉu, châm chọc…

Tại buổi lễ nhận kỷ niệm chương, chị Giang như trút được nỗi lòng mình. Chị tâm sự rằng, bản thân cảm thấy bớt lo lắng hơn, mọi người đã có cái nhìn khác hơn về quyết định của gia đình.

Những người con của anh Soái còn nhỏ dại.

“Lúc chưa có cuộc trao kỷ niệm chương này, con tôi đi học bị các bạn chế nhạo là bán nội tạng của bố, con khóc không muốn đi học nữa. Còn đứa học cấp 2 thì bị các bạn trêu là “bố mày chết rồi, lấy nội tạng rồi”, đánh nhau trong lớp, đánh nhau trong trường vì xấu hổ khi bố mất.

Khi đồng ý hiến tạng, tôi không nghĩ đến chuyện này, chỉ nghĩ rằng không cứu được nữa, chết não rồi, thì những bộ phận cơ thể của anh ấy còn sống nên cho đi để cứu người khác. Dù anh ra đi, nhưng biết được những bộ phận khác trên cơ thể của anh vẫn còn tồn tại, còn hiện hữu trên cõi đời này, vậy là tôi và cả gia đình được an ủi phần nào”, chị Giang chia sẻ trong sự xúc động.

Gia đình anh Soái nhận kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.

Giờ đây, người dân xã Châu Minh đã hiểu hơn về hành động, nghĩa cử cao đẹp của gia đình chị Giang. Căn nhà nhỏ của gia đình từ nay sẽ vắng bóng anh Soái, chị cũng sẽ phải vất vả hơn khi đứng ra lo toan cho cả gia đình. Nhưng, biết được những bộ phận trên cơ thể của chồng đang được hồi sinh trên 4 bệnh nhân khác là gia đình chị Giang như được an ủi phần nào.

Chị Giang cũng như cả gia đình chỉ mong hàng xóm, dư luận hiểu cho quyết định đầy khó khăn nhưng cao cả của mình.

Thanh Lam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/trai-long-cua-nguoi-phu-nu-hien-tang-chong-cuu-nguoi-tung-nhan-loi-cay-dang-a452297.html