Trải lòng của nam nhà báo tự cách ly 14 ngày trong 'ổ dịch' Bạch Mai

'Thời điểm nhận được tin nhắn từ lãnh đạo tòa soạn, đó thực sự là một cảm xúc khó tả. Tuy nhiên, không mất nhiều thời gian suy nghĩ, cộng thêm sự động viên, chia sẻ từ người vợ sắp cưới, tôi đã xách balo lên và lao vào điểm nóng mang tên Bạch Mai', nhà báo Đoàn Bổng chia sẻ.

Bệnh viện Bạch Mai thời gian đang thực hiện lệnh cách ly y tế 14 ngày.

Bệnh viện Bạch Mai thời gian đang thực hiện lệnh cách ly y tế 14 ngày.

Đến với nghề báo như một cái duyên

Thời điểm tôi thực hiện bài viết này, nhà báo Đoàn Bổng (Ban thời sự, Báo điện tử Vietnamnet) đang tất bật để chuẩn bị cho bữa tiệc báo hỷ sau lễ cưới đầy kỉ niệm mùa COVID-19 tại Hà Nội. Tôi và Đoàn Bổng biết nhau từ nhiều năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi có cuộc trò chuyện nhiều tiếng đồng hồ để chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề một cách chân thực và mộc mạc nhất như những gì nó vốn có.

Đoàn Bổng sinh ra trong một gia đình thuần nông (với điều kiện kinh tế ở mức trung bình) tại vùng quê nghèo thuộc huyện Tân Kỳ xứ Nghệ. Bổng là út và cũng là con trai duy nhất trong gia đình có 6 chị em. Chính bởi lẽ đó, anh được bố mẹ đặt rất nhiều kì vọng.

Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Bổng đã tỏ ra đặc biệt yêu thích và say mê đối với những môn học thuộc khối xã hội. Đặc biệt là môn Văn. Năm cuối cấp 3, anh được thầy giáo dạy Văn nói một câu khiến tới giờ vẫn nhớ mãi: "Em có năng khiếu viết lách. Sau này hãy cố gắng lựa chọn nghề nghiệp nào đó để phát huy thế mạnh của bản thân". Về phía gia đình, bố là người có ảnh hưởng sâu sắc tới nghề nghiệp của Bổng.

Nhớ lời thầy giáo, Đoàn Bổng đã lựa chọn Học viện Báo chí và Tuyên truyền là nơi chắp cánh cho những ước mơ về sự nghiệp viết lách. Không phụ sự kỳ vọng, anh đổ vào Khoa Phát thanh và Truyền hình (chuyên ngành Báo mạng điện tử). Thời điểm đó, đây là khoa có điểm đầu vào thuộc diện cao nhất Học viện.

Nhà báo Đoàn Bổng tác nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian cách ly (ảnh nhân vật cung cấp).

4 năm đại học, Bổng đã bắt đầu mường tượng được hướng đi và nghề nghiệp của mình sau khi ra trường. Ngay từ năm thứ 2, anh đã đi những bước đầu tiên khi tham gia viết cho CLB Sóng Trẻ (một sân chơi nghiệp vụ của Khoa Phát thanh và Truyền hình). Không lâu sau đó, anh có bài báo đầu tiên trên tờ Phụ nữ Việt Nam khi viết về hành trình đi tới thành công của một du học sinh xứ Nghệ (top 16 người Việt được lựa chọn đi du học ở Nga). Điều bất ngờ là sau này, chính du học sinh đó đã trở thành anh rể của Bổng.

Và cứ thế, Bổng tự dò dẫm bước đi với nghề. Bài báo thứ hai của anh viết về cậu bạn học cùng lớp, ở cùng phòng trọ trong những tháng năm đại học. Cậu bạn này có những am hiểu đặc biệt về Phật giáo và đạt được nhiều giải thưởng.

"Sau bài báo viết về chính người bạn thân thiết của mình, tôi chợt nhận ra rằng, đề tài của báo chí không phải là những thứ gì đó cao siêu, mà nó có ở quanh ta, là những điều bình dị nhất mang hơi thở chân thực của cuộc sống", nhà báo Đoàn Bổng vui vẻ chia sẻ.

Báo điện tử Vietnamnet trở thành điểm đến của cậu sinh viên trường báo Đoàn Bổng trong kì thực tập. Bổng nhớ lại, ngày đầu tiên tới tòa soạn, anh cảm thấy choáng ngợp thực sự bởi môi trường làm báo chuyên nghiệp, sôi động của những anh chị đi trước. Họ làm báo bằng tất cả đam mê, với mục đích đưa tới cho bạn đọc những thông tin thiết thực nhưng không kém phần nóng bỏng, thời sự.

Khi đó, anh đã tự nhủ với bản thân, phải cố gắng hết sức để không bị tụt lại phía sau. Loạt bài đầu tiên của Đoàn Bổng đăng tải trên Báo điện tử Vietnamnet viết về thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra tại nhiều làng nghề thuộc các huyện ven đô TP Hà Nội. Loạt bài này đã có những hiệu ứng xã hội hết sức tích cực, khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ban hành những công văn chỉ đạo các quận, huyện chấn chỉnh về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường.

Lao vào "điểm nóng" trước ngày cưới

Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian cách ly Ảnh: INT

Những ngày cuối tháng 3/2020, Bệnh viện Bạch Mai được xác định là "điểm nóng", "ổ dịch" lớn và phức tạp nhất về COVID-19. Nó trở thành địa điểm mà cả nước đều hướng về với những điều cầu mong bình an.

Trò chuyện với tôi, Bổng vẫn nhớ như in thời khắc anh nhận được tin nhắn của lãnh đạo tòa soạn. Đấy là một buổi tối cuối tháng 3, khi anh và người vợ sắp cưới vừa dùng xong bữa cơm tối. Tin nhắn với nội dung ngắn gọn: Tòa soạn đang cần phóng viên vào Bệnh viện Bạch Mai để đưa tin về dịch bệnh COVID-19.

"Nhận được tin nhắn, đó thực sự là một cảm xúc khó tả đối với tôi trong suốt chặng đường làm báo đã qua. Không mất nhiều thời gian suy nghĩ, cộng thêm sự động viên, chia sẻ từ người vợ sắp cưới, tôi đã xách balo lên và lao vào điểm nóng mang tên Bạch Mai", nhà báo Đoàn Bổng tâm sự.

Là người tham gia tích cực đưa tin từ những ngày đầu COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, Bổng khá hiểu về công tác phòng chống dịch bệnh quyết liệt đến từ Chính Phủ, Bộ Y tế.... Thời điểm quyết định vào Bệnh viện Bạch Mai, cảm xúc của Bổng là khá lo. Nhưng nỗi lo lớn nhất của Bổng là làm sao có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất trong vai trò của một nhà báo, một người làm công tác đưa tin để góp phần tuyên truyền, trấn an dư luận về tình hình dịch bệnh bên trong Bệnh viện Bạch Mai.

Và rồi 14 ngày tự cách ly để đưa tin về dịch bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai trở thành những ngày tháng đặc biệt, ý nghĩa trong hành trình làm nghề đối với nhà báo Đoàn Bổng.

Các bác sỹ bệnh viện Bạch Mai trong thời gian cách ly Ảnh: INT

Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối thuộc diện lớn nhất tại Việt Nam, khi hằng ngày tiếp nhận, cứu chữa cho hàng chục nghìn bệnh nhân. Tuy vậy, thời điểm Bệnh viện này được xác định là "ổ dịch" về COVID-19, thì một bầu không khí nặng nề bao trùm tất cả. Trong trí nhớ của nhà báo Đoàn Bổng, thời điểm đó Bệnh viện Bạch Mai trở nên vắng vẻ khác thường, một không khí xa lạ đối với tất cả y, bác sĩ đang công tác nơi đây. Không còn cảnh người bệnh chen chúc để chờ thăm khám bệnh. Cũng không còn cảnh các bác sĩ, y tá phải đầu tắt mặt tối để làm việc quên thời gian. Thay vào đó, họ có thêm thời gian để tâm sự cho nhau nghe về chuyện đời, chuyện nghề; có thêm thời gian để tham gia những môn thể thao rèn luyện sức khỏe.

Bệnh viện Bạch Mai trước thời khắc hết cách ly. Ảnh: INT

Với việc "nội bất xuất, ngoại bất nhập" nhiều ca bệnh buộc phải đến địa chỉ khác để cấp cứu thay vì đến Bệnh viện Bạch Mai. Sau 3 ngày "đóng băng" bệnh viện tuyến cuối, Bộ Y tế quyết định cho phép Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch qua đầu mối là khoa Cấp cứu. Nhiều ca bệnh được cứu sống trong gang tấc sau quyết định này.

Nhà báo Đoàn Bổng vẫn nhớ như in, nửa đêm 1/4, chuông điện thoại của PGS.TS Nguyễn Văn Chi reo, báo có một ca đột quỵ nguy kịch đang nằm tại Bệnh viện E. Trong thời khắc sinh tử, 2 bệnh viện hội chẩn và quyết định chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu. Một ê-kíp gồm các bác sĩ giàu kinh nghiệm trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu từ vùng đệm của Bệnh viện Bạch Mai. Đội Đột quỵ hội chẩn, can thiệp lấy huyết khối cơ học giải nguy cho bệnh nhân lúc 0h10 sáng 2/4. BS Chi thở phào khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Việc cứu sống bệnh nhân này như phá tan "tảng băng nghi ngại" khi chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai.

Niềm vui của các y, bác sĩ trong thời khắc Bệnh viện Bạch Mai tháo bỏ lệnh cách ly. Ảnh: INT

Và đặc biệt, sau 14 ngày cách ly cùng Bệnh viện Bạch Mai đưa tin về dịch bệnh COVID-19, nhà báo Đoàn Bổng đã tổ chức lễ cưới với người bạn đời tại quê nhà.

Được sự động viên, chia sẻ từ người vợ sắp cưới, tôi đã xách balo lên và lao vào điểm nóng mang tên Bạch Mai.

Xuân Thắng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/trai-long-cua-nam-nha-bao-tu-cach-ly-14-ngay-trong-o-dich-bach-mai-20200620091835777.htm