Trái đất trong vòng vây tấn công của tiểu hành tinh

Các tiểu hành tinh, về bản chất là những tảng đá khổng lồ trôi nổi trong không gian, đang 'dội bom' trái đất với tần suất cao hơn gấp đôi trước, theo chuyên san Science.

Một hố va chạm kích thước lớn ở bang Arizona, Mỹ - Ảnh: iau.org

Một cuộc nghiên cứu mới cho thấy trong 290 triệu năm qua, các tiểu hành tinh cỡ lớn đã lao về phía trái đất với tần suất cao hơn gấp đôi so với cách đó 700 triệu năm. Để rút ra kết luận trên, nhóm các nhà nghiên cứu Anh, Mỹ với sự dẫn đầu của chuyên gia Sara Mazrouei của Đại học Toronto (Canada) đã lên danh sách các hố va chạm do những tiểu hành tinh hoặc các thiên thể khác để lại trên bề mặt địa cầu sau cuộc chạm trán nảy lửa. Cụ thể, họ tìm kiếm những hố va chạm trên trái đất và mặt trăng, có đường kính lớn hơn 20 km. Ước tính phải cần đến một tiểu hành tinh bề ngang 800 m mới tạo ra hố va chạm với kích thước đáng nể như thế.

Sau khi lên danh sách, các chuyên gia cũng tìm cách ước tính niên đại của những đối tượng nghiên cứu. Họ đếm được 29 hố va chạm ít hơn 290 triệu năm tuổi, 9 hố từ 291 - 650 triệu năm. Rebecca Ghent, đồng nghiệp của tiến sĩ Mazrouei, lưu ý rằng con người hiếm khi nào thấy hố va chạm trên bề mặt trái đất vì hơn 70% diện tích hành tinh chúng ta được bao phủ bởi các đại dương. Bên cạnh đó, sự chuyển dịch của các núi băng lớn, còn gọi là sông băng, cũng che lấp một số hố va chạm khổng lồ. Về mặt tổng quát, đội ngũ chuyên gia ước tính có tổng cộng 260 vụ “tấn công” từ ngoài hành tinh trong 290 triệu năm qua. Tỷ lệ va chạm trong thời gian này gấp 2,6 lần so với 700 triệu năm trước thời điểm đó.

Nguyên nhân đằng sau tần suất gia tăng

Vì đa số các hố va chạm niên đại cao hơn đều nằm dưới những sông băng, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu những hố va chạm trên mặt trăng để ước tính độ tuổi của các hố va chạm từ 650 triệu đến 1 tỉ năm tuổi trên trái đất. Sở dĩ đội ngũ chuyên gia phải dùng biện pháp suy ra bằng cách này vì “chị Hằng” ở khoảng cách đủ gần để nằm trên đường đi qua của các tiểu hành tinh “sát thủ” khi chúng lao về hướng địa cầu, và các hố va chạm trên mặt trăng cũng tồn tại lâu hơn.

Các hố va chạm trên mặt trăng - Ảnh: NASA

Vậy thì nguyên nhân nào khiến trái đất bị tấn công dồn dập?

“Có lẽ một gia đình trong vành đai tiểu hành tinh, chủ yếu nằm ở giữa quỹ đạo sao Hỏa và sao Mộc, bằng cách nào đó đã bị phá hủy (trong gần 300 triệu năm trước)”, theo giả thuyết của chuyên gia Mazrouei. Hậu quả là các tảng đá vũ trụ lao về hướng trái đất và mặt trăng. Vì kích thước lớn hơn và lực hút mạnh hơn, địa cầu trở thành mục tiêu lý tưởng của các vụ tấn công.

Tuy nhiên, các chuyên gia trấn an rằng dù tỷ lệ va chạm có gia tăng, các tiểu hành tinh chỉ đâm vào địa cầu trong mỗi một đến vài triệu năm. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vẫn đang theo dõi sát sao chuyển động của các tiểu hành tinh cỡ lớn, bề ngang hơn 140 m, thuộc nhóm “vật thể có nguy cơ gây hại”. Và trong tương lai gần, các nhà thiên văn học tỏ ra lạc quan khi cho hay vẫn chưa phát hiện nguy cơ đáng kể nào, dù không ít lần xảy ra trường hợp các tiểu hành tinh lạ mặt đột nhiên xuất hiện gần trái đất mà không có dấu hiệu báo trước.

Trong vòng 1 thiên niên kỷ tới, nguy cơ lớn nhất đã được giới chuyên gia xác định là một tiểu hành tinh có bề ngang 1,3 km, được dự kiến lao đến trái đất trong 861 năm nữa. Thế nhưng, tính toán sơ bộ cho thấy nhân loại nhiều khả năng vẫn sống sót vì tiểu hành tinh sẽ một lần nữa tông hụt địa cầu.

Hạo Nhiên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/trai-dat-trong-vong-vay-tan-cong-cua-tieu-hanh-tinh-1049002.html