Trái đất thay đổi khó hiểu, ảnh hưởng định vị toàn cầu

Từ năm 2016, cực từ Bắc đã liên tục di chuyển khiến các nhà khoa học đau đầu. Sự di chuyển này ảnh hưởng trực tiếp đến các thiết bị định vị toàn cầu.

Cực từ Bắc là dạng từ trường giúp các thiết bị như la bàn, GPS nhận biết đâu là hướng Bắc. Trong suốt thế kỷ qua, cực từ Bắc đang khiến các nhà khoa học đau đầu bởi nó di chuyển liên tục khiến hướng Bắc trên la bàn ngày càng khác hướng Bắc trên bản đồ.

Cực từ Bắc những năm qua đã di chuyển liên tục từ Nunavut, Canada đến Bắc Siberia. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của máy bay, tàu ngầm, tàu thủy... trên khu vực này.

Cực từ Bắc giúp các thiết bị GPS xác định vị trí chính xác. Ảnh: Getty.

Cực từ Bắc giúp các thiết bị GPS xác định vị trí chính xác. Ảnh: Getty.

"Mỗi năm, cực từ Bắc di chuyển 50 km. Nó không di chuyển nhiều trong thời gian từ 1900-1980. Thế nhưng, trong 40 năm qua, nó lại liên tục tăng tốc độ di chuyển", Ciaran Beggan, một nhà khoa học từ Cơ quan Khảo sát Địa Chất Anh (BGS) ở Scotland nói với Reuters.

Xác định phương Bắc là điều bắt buộc với quân đội châu Âu và châu Mỹ bởi các hệ thống định vị của họ đều dựa trên Mô hình từ tính thế giới (World Magnetic Model - WMM).

Bên cạnh mục đích quân sự, các hãng hàng không thương mại, Google Maps và các ứng dụng GPS trên điện thoại thông minh cũng dựa theo WMM để xác định vị trí để điều hướng cho phù hợp.

Sơ đồ di chuyển của cực từ Bắc từ năm 1600 đến 2007. Ảnh: Wikimedia Commons.

Với tầm quan trọng và việc liên tục di chuyển của cực từ Bắc, mỗi 5 năm, BGS và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) lại phát hành một bản cập nhật WMM mới để bảo đảm các hệ thống GPS và la bàn có thể tiếp tục sử dụng chính xác.

Bản cập nhật WMM tiếp theo được dự kiến ra mắt vào năm 2020. Tuy vậy, năm 2018, cực từ Bắc đã vượt khỏi đường ngày quốc tế và bắt đầu di chuyển nhanh hơn.

Các nhà khoa học chưa nắm được nguyên nhân thực sự của việc di chuyển này nhưng nó đã khiến quân đội Mỹ yêu cầu một bản cập nhật WMM mới hơn. Vì thế, ngày 4/2, WMM chính thức ra bản cập nhật tiếp theo, sớm một năm so với dự kiến.

Từ trường bảo vệ Trái Đất khỏi các bức xạ Mặt Trời. Ảnh: Shutterstock.

Từ trường của Trái Đất tồn tại nhờ vào xoáy niken lỏng và sắt trong lõi lỏng của hành tinh xanh. Phần quan trọng này nằm sâu 1.800 dặm trong lòng Trái Đất. Từ trường đảm nhiệm vai trò quan trọng để bảo vệ sự sống Trái Đất khỏi các bức xạ và gió mặt trời.

Gần đây, các nhà khoa học đưa ra hai giả thuyết về lý do của sự dịch chuyển cực Bắc này là do một xung địa mạnh từ phía dưới Nam Mỹ vào năm 2016. Khả năng thứ hai là một cuộn sắt lỏng chảy bên dưới khu vực Canada gây ảnh hưởng đến từ trường cực Bắc.

WMM cho phép các la bàn và thiết bị GPS tính toán, tinh chỉnh thông số để xác định chính xác vị trí. Việc cực từ Bắc ngày càng không chính xác khiến các thiết bị GPS, hệ thống định vị quân sự bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, sai số này chỉ ảnh hưởng ở khu vực Bắc Cực và miền Bắc Canada. Những khu vực khác vẫn định vị chính xác bình thường.

Trọng Hưng
Theo Business Insider

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trai-dat-thay-doi-kho-hieu-anh-huong-dinh-vi-toan-cau-post914905.html