Trái đất– Cái nôi của sự sống

Vì sao Trái Đất thường được gọi là hành tinh xanh? Trên hành tinh xanh ấy, sự sống đã này nở tốt đẹp như thế nào?

Tháp Babel, Pieter Bruegel the Elder (1525 - 1569)

Tháp Babel, Pieter Bruegel the Elder (1525 - 1569)

Trái Đất trong hệ Mặt Trời

Trái Đất là một trong 8 hành tinh của hệ Mặt Trời (gồm sao Thủy, sao Kim, sao Mộc, sao Thổ, sao Hỏa, Trái Đất, sao Thiên Vương, sao Hải Vương – tính theo thứ tự từ Mặt Trời ra ngoài). Trái Đất vừa tự quay quanh trục của nó, mỗi vòng quay hết trọn một ngày (23,934 giờ), vừa quay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo hình ellipse[1] với vận tốc xấp xỉ 30km/s. Một vòng quay của Trái Đất quanh Mặt Trời hết trọn một năm (365,25 ngày).

“Vị thần hộ mệnh” của sự sống trên Trái Đất

Nhờ có nước, đặc biệt là nước ở dạng lỏng, Trái Đất trở thành nơi duy nhất trong hệ Mặt Trời có sự sống. Do vậy, khi khẳng định hành tinh này là cái nôi của sự sống, ta không thể không nói đến nước.

Hành tinh của chúng ta quả là giàu nước. Nước bao phủ trên 2/3 bề mặt Trái Đất. Nước dào dạt trong lòng các đại dương; nước đông cứng thành những khối băng trùng điệp, khổng lồ ở hai địa cực[2]; nước ngự[3] trắng lóa trên những chóp núi được ví là nóc nhà của thế giới; nước tuôn chảy không ngừng với hệ thống sông ngòi được phân bố ở khắp bề mặt các lục địa[4]... Chính nước đã tạo cho Trái Đất một vẻ đẹp lộng lẫy. Những bức ảnh chụp từ các tàu vũ trụ cho thấy Trái Đất không khác gì giọt nước xanh khổng lồ giữa không gian vũ trụ đen thẳm bao la.

Nếu không có nước thì Trái Đất chỉ là hành tinh khô chết, trơ trụi. Nước chính là vị thần hộ mệnh của sự sống, là tác nhân[5] quan trọng thúc đẩy quá trình tiến hóa của các vật chất sống trên hành tinh này. Nhờ nước, sự sống trên Trái Đất phát triển dưới nhiều dạng phong phú, từ vi sinh vật mang cấu tạo đơn giản đến động vật bậc cao có hệ thần kinh vô cùng phức tạp.

Trái Đất - nơi cư ngụ của muôn loài

Trong số muôn loài tồn tại trên Trái Đất, có loài chỉ có thể quan sát được bằng kính hiển vi như vi sinh vật. Có loài mang kích thước khổng lồ như cây bao báp[6] ở vùng hoang mạc châu Phi, cá voi xanh hay các động vật thuộc họ khủng long mà giờ ta chỉ còn được biết chúng ở dạng hóa thạch[7]… Những bộ xương khủng long mà các nhà khoa học phục dựng[8] cho biết từ xa xưa đã từng có một loài thú khổng lồ tung hoành giữa bầu trời, dưới nước hay trên mặt đất này. Trên những cánh rừng nguyên sinh[9] trùng điệp hay giữa lòng đại dương bao la, có vô số loài thực vật, động vật khác nhau sinh sôi nảy nở, trở thành đối tượng được con người khai thác hằng ngày để phục vụ cho cuộc sống của mình. Rồi những hoa cỏ trong vườn, những loài gia súc, gia cầm gắn bó thân thiết với mỗi gia đình… Tất cả mọi dạng sự sống đều tồn tại, phát triển theo những quy luật sinh học lạ lùng, bí ẩn.

Con người trên Trái Đất

Đỉnh cao kì diệu của sự sống trên Trái Đất chính là con người. Là động vật bậc cao, con người có bộ não và hệ thần kinh phát triển nhất, có ý thức, có tình cảm, có ngôn ngữ, biết tổ chức cuộc sống theo hướng tích cực. Bằng bàn tay lao động sáng tạo, con người đã cải tạo lại bộ mặt của Trái Đất, khiến cho nó “người” hơn, thân thiện hơn. Nhưng đáng buồn thay, con người cũng đã khai thác thiên nhiên – món quà quý giá mà tạo hóa ban tặng – một cách bừa bãi, gây ảnh hưởng xấu đến quá trình tồn tại và phát triển của sự sống trên Trái Đất.

Tình trạng Trái Đất hiện ra sao?

Hiện tại, hành tinh xanh – ngôi nhà chung của nhân loại – đang từng ngày từng giờ bị tổn thương bởi nhiều hành động vô ý thức hay bất chấp tất cả của con người. Thiên nhiên đang bị tàn phá. Theo đó, màu xanh trải rộng của rừng bị co hẹp lại, nhường chỗ cho sự xâm lấn của màu xám hoang mạc nhức nhối. Nhiều loài thú bị giết vô tội vạ giờ đã hoặc gần như tuyệt chủng[10]. Biển bị khai thác quá mức không kịp hồi sinh, cá tôm không kịp sinh sôi nảy nở, rác thải nhựa tràn ngập giết dần giết mòn bao sinh vật biển… Do kế hoạch phát triển công nghiệp thiếu bền vững, Trái Đất đang nóng dần lên, băng ở Bắc Cực và Nam Cực đang tan chảy, khiến nước biển dâng cao, nhấn chìm nhiều thành phố, làng mạc, nhiều cánh đồng màu mỡ. Tầng ozone[11] bị thủng nhiều chỗ, đất đai, nước, không khí bị ô nhiễm nặng nề, đe dọa sự sống của muôn loài.

Trái Đất có thể chịu đựng đến bao giờ? Đó là câu hỏi nhức nhối, khiến nhân loại không thể làm ngơ. Sự sống trên hành tinh xanh, trong đó có con người, đang đứng trước những thách thức to lớn.

Hồ Thanh Trang

CHÚ THÍCH:

[1] Ellipse: một loại hình bầu dục, có hai trục đối xứng.

[2] Địa cực: cực của Trái Đất, bao gồm Bắc cực và Nam cực.

[3] Ngự: ngồi ở nơi cao nhất, trang trọng nhất với vẻ uy nghi.

[4] Lục địa: đất liền, phân biệt với biển, đại dương.

[5] Tác nhân: yếu tố thúc đẩy một quá trình nào đó.

[6] Bao báp: một loại cây thân gỗ có kích thước lớn, xuất hiện nhiều ở châu Phi.

[7] Hóa thạch: di tích hóa đá của thực vật, động vật cổ xưa còn lưu lại ở các tầng đất đá.

[8] Phục dựng: làm đúng lại như hình dáng ban đầu của hiện vật.

[9] Rừng nguyên sinh: rừng tự nhiên, chưa bị hay chưa được khai thác.

[10] Tuyệt chủng: bị mất hẳn nòi giống.

[11] Tầng ozone: một khu vực trong tầng bình lưu (một lớp thuộc khí quyển) của Trái Đất, hấp thụ hầu hết các bức xạ cực tím của Mặt Trời.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/bi-an-khoa-hoc/trai-dat-cai-noi-cua-su-song-3419135/