Trái đắng với cựu Tổng thống Zimbabwe

Bất ổn và hỗn loạn xã hội, hệ quả từ những sai lầm trong chính sách điều hành đất nước của cựu Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, giờ đang giáng vào chính gia đình của ông Robert Mugabe.

Hàng trăm thợ khai thác trái phép “tác nghiệp” trong nông trại của bà Grace Mugabe

Hàng trăm thợ khai thác trái phép “tác nghiệp” trong nông trại của bà Grace Mugabe

Theo tờ Newsday của Zimbabwe, hàng trăm thợ khai thác trái phép đã đột nhập nông trại của bà Grace Mugabe, vợ ông Robert Mugabe để đào vàng. Nông trại của cựu đệ nhất phu nhân Zimbabwe nằm ở thành phố Mazowe, cách Thủ đô Harare khoảng 40km về phía Bắc. Bà Grace sở hữu nông trại này từ năm 2015, khi chồng bà còn nắm quyền.

Trước đây, khu vực này được hàng trăm cảnh sát và binh lính bảo vệ. Tuy nhiên, kể từ khi ông Robert Mugabe bị phế truất hồi tháng 11 năm ngoái sau 37 năm cầm quyền, tài sản này không còn được bảo vệ và trở thành “sân chơi” cho người dân. Hôm 29-3, khi tới thăm nông trại, bà Grace đã rất sốc khi nhìn thấy gần 400 người đang đào vàng trái phép.

Trong thông báo gửi cảnh sát, cựu đệ nhất phu nhân Zimbabwe mô tả người đào vàng gào thét những lời thô tục và tiếp tục tiến hành các hoạt động trái phép. Một người còn hét lên rằng: “Bà bây giờ không có quyền đuổi chúng tôi. Đây là thời kỳ mới, chúng tôi làm những gì chúng tôi muốn”. Thực tế này khiến người ta nhớ lại cuộc cải cách đất đai gây nhiều tranh cãi mà ông Robert Mugabe tiến hành.

Năm 1980, Zimbabwe chính thức trở thành quốc gia độc lập. Với những đóng góp cho phong trào đấu tranh chống lại ách đô hộ của người Anh, ông Robert Mugabe được người dân tôn sùng như anh hùng dân tộc. Ông trở thành Thủ tướng Zimbabwe và đến tháng 12-1987 thì được bầu làm Tổng thống.

Sở hữu nền tảng cơ sở hạ tầng khá tốt, mức độ gắn kết xã hội cao kèm những cam kết cải cách, bình đẳng của chính phủ mới, Zimbabwe có đủ mọi tiềm năng trở thành quốc gia dẫn dắt châu Phi. Nhưng viễn cảnh đó đã hoàn toàn biến mất sau 10 năm độc lập, thất bại trong cải cách đã rõ ràng. Trước sức ép của các cựu chiến binh và nông dân da đen, ông Robert Mugabe tiến hành cuộc cải cách ruộng đất bằng cách tịch thu trang trại, đồn điền của người da trắng để phân chia cho người da đen.

Tưởng rằng chính sách cải cách mà một số người ca ngợi là thành tựu lớn nhất của ông Robert Mugabe sẽ đưa Zimbabwe thoát khỏi khủng hoảng, nhưng nó lại chính là nguồn cơn khiến đất nước này trượt dài. Do người da đen rất ít kinh nghiệm canh tác và quản lý, nền nông nghiệp vốn là xương sống đối với Zimbabwe sa sút nghiêm trọng, ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế.

Từ một trong những đất nước giàu có nhất châu Phi, Zimbabwe trở thành một trong những nước nghèo nhất thế giới với tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục. Vào giai đoạn đỉnh điểm khủng hoảng, giá cả tại đây cứ 24 giờ lại tăng gấp đôi. Năm 2008, tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục lên đến 231 triệu phần trăm, khiến Ngân hàng Trung ương phải phát hành tiền mệnh giá rất cao, tới 100 tỷ đô la Zimbabwe.

Trong khi 70% số dân Zimbabwe nghèo đói thì gia đình ông Robert Mugabe sống rất xa xỉ. Bà Grace nổi tiếng với biệt danh “Gucci Grace” vì thói quen dùng hàng hiệu và tiêu tiền như nước. Năm 2014, số tiền bà chi cho các sản phẩm đắt tiền đã lên tới hơn 2,6 triệu USD, bao gồm 12 chiếc nhẫn kim cương, 62 đôi giày Ferragamo, 33 đôi giày của Gucci và đồng hồ Rolex trị giá hơn 105.000 USD.

Sự bất bình của dân chúng lên tới đỉnh điểm hồi tháng 11-2017, dẫn tới việc ông Robert Mugabe bị buộc phải từ chức. Tuy nhiên, những bất ổn xã hội như hệ quả cuộc cải cách đất đai của ông Robert Mugabe vẫn chưa chấm dứt, và nay chính gia đình ông Robert Mugabe phải hứng chịu trái đắng.

HOÀNG SƠN

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/trai-dang-voi-cuu-tong-thong-zimbabwe/762678.antd