Trái đắng của hệ thống phúc lợi xã hội hào phóng

Những ngày thứ Bảy của tháng 12 vừa qua ở thủ đô Paris nói riêng và nước Pháp nói chung có thể xem là những 'ngày thứ Bảy đen' khi phong trào 'áo vàng' xuống đường diễn ra trên diện rộng và mạnh mẽ. Đối với nhiều nhà phân tích, sự bùng phát của phong trào này là một hệ lụy tất yếu, như giọt nước tràn ly khi nhiều bức xúc của xã hội bị dồn nén trong một thời gian dài.

Nhưng không chỉ ở Pháp, mối bất ổn âm ỉ cũng đang hiện hữu ở một số nước châu Âu giàu có khác và luôn có nguy cơ bùng phát. Nguyên nhân sâu xa là do hệ thống an sinh và phúc lợi quá hào phóng ở các nước này khiến cho thâm hụt ngân sách tăng, và phải bù đắp bằng các nguồn thuế.

Dân nhập cư chính là vấn đề quan trọng mà các nước châu Âu phải tìm giải pháp thích ứng. Nguồn: Sputnik

Phản kháng từ gánh nặng thuế và sức mua giảm

Pháp cùng một số nước châu Âu giàu có khác từ lâu được biết đến là những nước có chế độ an sinh và phúc lợi xã hội rất hào phóng. Ngoài hệ thống bảo hiểm y tế gần như bao cấp hoàn toàn, các hệ thống phúc lợi cho người có thu nhập thấp, gia đình đông con, sinh viên, người thất nghiệp chiếm một phần lớn của ngân sách. Chẳng hạn ở Pháp, một người không có thu nhập sẽ được trợ cấp RSA để có mức thu nhập tối thiểu là 550,93 euro/tháng. Nếu người này có con nhỏ phụ thuộc, số tiền trợ cấp sẽ tăng lên, khoảng 220 euro/tháng cho một trẻ.

Chính vì vậy, trong bảng lương của người đi làm ở những nước này, không chỉ có các khoản đóng góp cho chính bản thân người lao động như bảo hiểm y tế, thất nghiệp, hưu trí mà còn có các khoản đóng góp khác cho các quỹ phúc lợi hay trợ cấp xã hội. Ngoài ra, các loại thuế như giá trị gia tăng, thuế nhà đất, thuế cư trú, và thuế thu nhập cá nhân cũng bào mòn đáng kể thu nhập của nhóm người này.

Việc điều tiết chính sách thuế và phúc lợi xã hội luôn là bài toán khó đối với các chính phủ vì nó quyết định đến lá phiếu của người dân trong lần bầu cử tiếp theo.

Một nhóm khác trong xã hội cũng bị gánh nặng của thuế là giới chủ các doanh nghiệp nhỏ. Trong chi phí thuê mướn lao động, tính ra phần phải trả cho chính phủ gần như bằng với khoản phải trả cho người lao động. Ví dụ, tiền lương của một người lao động trung bình 2.000 euro/tháng thì người chủ phải trả tổng cộng gần 4.000 euro/tháng.

Chính sách thuế và phúc lợi xã hội còn tùy thuộc vào đảng cầm quyền ở mỗi thời kỳ khác nhau. Thông thường, nếu đảng nắm quyền thiên về cánh tả thì các chính sách phúc lợi sẽ hào phóng hơn, thuế nhắm vào giới chủ cũng nhiều hơn để lấy lòng số đông của tầng lớp lao động. Tuy nhiên, các chính sách hào phóng này thường để lại một lỗ trống ngân sách khá lớn. Còn nếu đảng cầm quyền thiên về cánh hữu thì các chính sách thuế sẽ ưu đãi hơn cho giới chủ và giảm đi các phúc lợi xã hội.

Phong trào áo vàng ở nước Pháp vừa qua là giọt nước tràn ly, khi các chính sách về thuế và phúc lợi xã hội của Tổng thống Macron theo khuynh hướng ưu đãi tầng lớp siêu giàu và thắt chặt phúc lợi của tầng lớp thu nhập thấp. Đối với nhiều người ở Pháp, theo thời gian, sức mua của họ ngày càng giảm, đồng thời các khoản thuế phải trả ngày càng nhiều, cuộc sống không được thoải mái như trước nữa, nhất là so với trước khi dùng đồng tiền chung euro.

Những người trực tiếp tham gia phong trào áo vàng và xuống đường đa phần là những người lao động có thu nhập thấp hay thất nghiệp. Mặc dù tầng lớp này chỉ chiếm khoảng 30% dân số nhưng họ lại có được sự ủng hộ ngầm của không ít tầng lớp cận trung lưu, chiếm đến 50% dân số. Tuy vậy, sự ủng hộ này giảm dần khi phong trào trở nên quá khích, bị lợi dụng để đập phá, hôi của, và bạo động.

Tầng lớp cận trung lưu và trung lưu ở Pháp không xuống đường nhưng sự phản kháng của họ đã âm ỉ và diễn ra từ lâu. Chẳng hạn, nhiều bác sĩ ở Pháp từ nhiều năm nay không còn thiết tha nhận thêm bệnh nhân và làm thêm giờ. Nhiều người không muốn mở rộng kinh doanh hay làm thêm vì tiền thuế nộp tăng thêm không đem lại thêm lợi ích kinh tế cho họ. Các khoản thuế phí tăng còn khiến nhiều doanh nghiệp di dời cơ sở sản xuất sang các nước lân cận khi có thể. Nhiều cá nhân thậm chí di chuyển nơi đăng ký thuế.

Có giải quyết được sự rạn nứt của hệ thống phúc lợi hào phóng?

Với nhiều nước châu Âu, hệ thống phúc lợi xã hội hào phóng là một niềm tự hào nhưng những thay đổi về cấu trúc dân số như tỷ lệ sinh giảm, tuổi thọ tăng, và dân nhập cư đang làm rạn nứt và có nhiều nguy cơ phá vỡ hệ thống tốt đẹp này.

Trong các nguyên nhân đề cập ở trên, dân nhập cư chính là vấn đề quan trọng mà các nước này phải tìm giải pháp thích ứng. Ở châu Âu, số lượng dân nhập cư ngày càng nhiều nhưng ỷ lại vào hệ thống phúc lợi xã hội, thậm chí có một số cộng đồng không chịu hòa nhập và đóng góp cho cộng đồng nơi mình cư trú.

Mặc dù cũng có một bộ phận người dân bản địa lười biếng, sống nhờ vào phúc lợi xã hội, nhưng khi số lượng người nhập cư ỷ lại tăng nhanh, nó sẽ lây nhiễm và càng làm giảm động lực phấn đấu làm việc của nhiều người khác.

Chính vì vậy, nước nào có chính sách chặt chẽ về phúc lợi xã hội với người nhập cư, chỉ giúp đỡ và tạo điều kiện trong một thời gian nhất định ban đầu thì người nhập cư buộc phải phấn đấu hòa nhập và có đóng góp trở lại cho cộng đồng nơi mình cư trú. Nhưng đối với một số nước, vấn đề này được gắn với tính nhân văn, bác ái nên không thể có tiếng nói chung về mặt chính sách để giải quyết gốc rễ của vấn đề.

Võ Đình Trí

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/283692/trai-dang-cua-he-thong-phuc-loi-xa-hoi-hao-phong-.html