Trái cây chờ mở cửa chính ngạch

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính nhiều loại nông sản của Việt Nam nói chung và cây ăn trái nói riêng. Nước này đang kiểm soát gắt gao hơn việc nhập khẩu tiểu ngạch để dịch chuyển sang chính ngạch.

Đóng gói bưởi da xanh xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Trung Quốc thay đổi, cây ăn trái Việt “chao đảo”

Tại diễn đàn đối thoại giữa doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh Bến Tre được tổ chức ở địa phương này mới đây, ông Đoàn Hoài Phương, đại diện Công ty Hương Miền Tây (Bến Tre), cho biết thị trường tiêu thụ chính sản phẩm bưởi da xanh của Việt Nam là Trung Quốc. “Tuy nhiên, từ ngày 20-9-2018, Hải quan Trung Quốc đã ra thông báo không làm thủ tục nhập khẩu loại trái cây này của Việt Nam do không nằm trong danh mục các loại nông sản được Việt Nam và Trung Quốc ký kết cho phép nhập khẩu chính ngạch”, ông Phương cho biết và nói rằng điều này dẫn đến việc bưởi da xanh không tiêu thụ được ở Trung Quốc thời gian qua.

Trong khi đó, theo ông Phương, Trung Quốc là thị trường có nhu cầu rất lớn về bưởi da xanh và đây cũng là thị trường tiềm năng do giá xuất khẩu cao hơn so với các thị trường khác khoảng 10-15%, trong khi tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa không quá khắt khe như thị trường EU và một số thị trường khó tính khác. “Thực tế, sản lượng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) của tỉnh Bến Tre có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường EU và các thị trường khó tính còn rất ít”, ông Phương cho biết thêm.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, cho nên, việc bưởi da xanh và một số loại cây ăn trái khác bị gián đoạn xuất khẩu vào thị trường này thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của bà con nông dân và các doanh nghiệp.

Hiện có tám loại trái cây của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, gồm xoài, thanh long, nhãn, chôm chôm, vải, chuối, mít và dưa hấu.

Ông Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông sản Cát Tường, nguyên Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường thuộc Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, (Sofri) cho biết qua đàm phán, vào năm 2009, có tám loại trái cây của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, gồm xoài, thanh long, nhãn, chôm chôm, vải, chuối, mít và dưa hấu.

Tuy nhiên, theo ông Lập, hiện Việt Nam có đến hơn 40 chủng loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu lớn với thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc (chiếm 70-80%). Điều này có nghĩa là vẫn có hàng chục loại trái cây Việt Nam phải xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Ông Lập thông tin, mỗi địa phương của Trung Quốc vẫn có chính sách ưu đãi riêng nhằm thu hút đầu tư và giao thương để tăng thu ngân sách, xây dựng cơ sở hạ tầng, tức vẫn có nơi chấp nhận nhập khẩu tiểu ngạch. Nhưng, “xu hướng chung hiện nay của Trung Quốc đã thay đổi, họ đã dịch chuyển sang nhập khẩu chính ngạch”, ông Lập nói.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, cũng cho rằng việc Trung Quốc tiến tới loại bỏ nhập khẩu tiểu ngạch để chuyển sang nhập khẩu chính ngạch là xu hướng tất yếu nhằm quản lý tốt hơn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát dịch hại, chất lượng sản phẩm và cả vùng trồng.

Một trường hợp điển hình được ông Lập dẫn ra, đó là trái sầu riêng của Việt Nam, dù chưa được xuất chính ngạch sang Trung Quốc nhưng nhờ “mượn danh” sầu riêng monthong Thái Lan (sầu riêng monthong Thái Lan được xuất chính ngạch sang Trung Quốc) nên vẫn xuất được qua các cửa khẩu chính của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi Thái Lan có những phản ánh về vấn đề này, Trung Quốc lập tức “siết” nhập khẩu đối với sầu riêng của Việt Nam, dẫn đến giá bán loại trái cây này giảm mạnh, chỉ còn 30.000-40.000 đồng/ki lô gam so với mức trên 80.000 đồng/ki lô gam ở thời điểm trước đó.

Cần đàm phán mở thêm cửa chính ngạch

Ông Lập cho rằng, sau khi đàm phán để tám loại trái cây như nêu ở trên của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, thì cho đến nay vẫn chưa có thêm loại trái cây nào được đàm phán mở cửa tiếp. “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương của mình chưa chú tâm nhiều, tám chủng loại trái cây được cấp phép từ năm 2009 tới giờ đã là năm 2018, tức đã chín năm rồi mà họ không đàm phán, không mở cửa thêm là quá chậm”, ông Lập nói. Theo ông, với một khách hàng lớn, chiếm 70-80% kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam như Trung Quốc mà không mở cửa tiếp là điều cần phải xem xét lại.

Đến giờ, khi tình hình xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc gặp khó thì những đơn vị liên quan mới có động thái đi đàm phán, chuẩn bị mở cửa thêm cho trái mận và trái mãng cầu. “Nhưng, ngay cả việc đi đàm phán mở cửa, thì mấy ổng (đơn vị đàm phán) cũng không hỏi doanh nghiệp”. Ông bức xúc và đặt vấn đề: “Tại sao mình không đàm phán sầu riêng, khóm, vú sữa và hàng loạt trái mình có sản lượng lớn, mà đi làm trái mãng cầu và trái mận?”.

Để giải quyết bài toán cho ngành cây ăn trái Việt Nam trong bối cảnh mới của thị trường Trung Quốc, theo ông Lập, không còn cách nào khác là phải đàm phán để mở cửa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, song song đó, cần nghiên cứu về giống vì có giống tốt mới xây dựng thương hiệu và cạnh tranh được. “Bây giờ, việc mình phải làm là xây dựng thương hiệu sầu riêng Ri 6, đăng ký thương hiệu và bảo hộ thương hiệu đó ở thị trường Trung Quốc và quốc tế, có như vậy mới mong cứu vãn tình hình được”, ông gợi ý.

Ông Tùng thông tin thêm, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đàm phán để “mở cửa” cho trái sầu riêng và bưởi của Việt Nam được xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, quá trình xin mở cửa một loại trái cây là rất lâu. “Chẳng hạn, đàm phán để trái thanh long vào Úc phải mất 9-10 năm vì còn phải chứng minh dịch hại, chứng minh vùng trồng, giống... có rất nhiều công việc phải qua lại giữa hai nước nên mất nhiều thời gian”, ông dẫn chứng. Dù vậy, theo ông, đây là con đường không thể không thực hiện để đưa trái cây Việt Nam vào Trung Quốc.

Trong khi đó, theo ông Tùng, ở trong nước, thời gian qua các địa phương không có định hướng, để người dân trồng quá nhiều, dẫn đến mất cân đối cung - cầu khi xảy ra rủi ro ở thị trường Trung Quốc. “Để giải quyết vấn đề này, trước mắt là phải biết cái gì người ta không cho mình xuất để chủ động hạn chế mở rộng vùng trồng”, ông Tùng nói.

Huỳnh Lượng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282823/trai-cay-cho-mo-cua-chinh-ngach.html