'Trái bóng' trong chân các bộ trưởng, đừng nên đẩy sang Thủ tướng!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp cuối năm 2016 của Chính phủ cũng đã nhắc đến chuyện các bộ, ngành, địa phương 'không nên đá quả bóng trách nhiệm lên Thủ tướng và các phó Thủ tướng'.

"Sáng nay Thủ tướng gọi tôi nói, nếu Bộ trưởng ngại lên tiếng thì báo cáo Thủ tướng lên tiếng”, đây là phát biểu của bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trong cuộc làm việc kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng tại Bộ VHTT&DL ngày 14/2.

Theo bộ trưởng Dũng, một số hoạt động lễ hội vừa qua người dân không đồng tình, trong đó có nhiều biến tướng, lợi ích nhóm thu tiền không đúng, lễ hội theo hướng thương mại… “những hoạt động trên đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải lên tiếng nhưng Bộ lại chìm lắng”.

Nhắc nhở của người đứng đầu Chính phủ có lẽ không chỉ riêng cho một bộ trưởng/ngành nào, mà là đòi hỏi chung cho tất cả các bộ, ngành phải hành động hiệu quả, quyết liệt, đáp ứng kịp thời đòi hỏi bức bách của cuộc sống, người dân.

Hàng trăm thanh niên xô đẩy nhau cướp lộc trầu, cau tại hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) khai mạc ngày mùng 6 tết - Ảnh: Nam Trần/ Tuổi trẻ

Hàng trăm thanh niên xô đẩy nhau cướp lộc trầu, cau tại hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) khai mạc ngày mùng 6 tết - Ảnh: Nam Trần/ Tuổi trẻ

Khi xem những thông tin này trên báo chí, tôi đã đọc lại quy định của Chính phủ[1] về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, và càng thấu hiểu sự sốt ruột của Thủ tướng.

Theo đó, Điều 3 của Nghị định 123 , khoản 1 đã nêu rõ: "Bộ trưởng là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu Bộ, lãnh đạo công tác của Bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao trong phạm vi toàn quốc." (xin lưu ý mấy từ "Trong phạm vi toàn quốc" )

Điều 27 của NĐ 123 nêu rõ trách nhiệm của Bộ trưởng đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải "chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ về ngành, lĩnh vực được phân công quản lý; về kết quả,hiệu lực,hiệu quả hoạt động của Bộ; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thực hiện nhiệm vụ của thành viên Chính phủ và cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ."

Với địa phương, Điều 26 trước đó cũng nêu rất rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trong mối quan hệ với chính quyền địa phương: "4/. Đề nghị Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những văn bản pháp luật của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trái với các văn bản về ngành, lĩnh vực được phân công quản lý. Nếu UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh không chấp hành thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định."

Chỉ cần 3 điều trong số rất nhiều điều khoản trong NĐ 123 đã cho thấy một điều khá rõ, vai trò quản lý nhà nước và công việc chỉ đạo lĩnh vực được Chính phủ giao, nhiều ngành hiện chưa làm tốt. Phải chăng, vì những chuyện chỉ đạo chậm trễ, hình thức, chưa đạt yêu cầu, còn chiếu lệ để rồi Thủ tướng khi nắm thông tin đầy đủ đã phải lên tiếng, giao các Phó Thủ tướng hoặc Văn phòng Chính phủ ra văn bản yêu cầu địa phương giải trình, báo cáo Chính phủ.

Chẳng hạn, ngày 28/11/2016, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội nghị kiểm điểm lại việc thi hành các văn bản của Chính phủ trong 11 tháng đã cho thấy cái" núi công văn giấy tờ" này sở dĩ cao đến vậy là có lý do và rất đáng suy nghĩ. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao 10.241 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm triển khai, yêu cầu báo cáo và cho ý kiến thực hiện. Trong đó, có 5.860 nhiệm vụ đã hoàn thành; chưa hoàn thành 4.381 nhiệm vụ.

Con số này phần nào cho thấy công việc đã hoàn thành chỉ mới là quá nửa số văn bản được triển khai. Nếu những công việc có phần sự vụ như trên mà các bộ, ngành trực tiếp chỉ đạo địa phương thì Chính phủ đỡ được biết bao nhiêu, đỡ ùn ứ bao nhiêu vấn đề không cần thiết phải để Thủ tướng "ra tay".

Chính kiến, năng lực, bản lĩnh của người đứng đầu bộ, ngành là hết sức cần thiết, là tham mưu quan trọng cho người đứng đầu Chính phủ ra những quyết định đúng hướng. "Chìm lắng", đẩy việc lên trên hoặc thậm chí đẩy cho… nhiệm kỳ sau đều là chưa tròn trách nhiệm. Như hồi nào có vị bộ trưởng khi được chất vấn trước Quốc hội: “đến bao giờ du lịch Việt Nam mới được như nước bạn?", đã khiến mọi người cười nghiêng ngả khi đáp rằng: “Với câu hỏi này, tôi xin phép không dám trả lời, xin để Bộ trưởng nhiệm kỳ sau”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp cuối năm 2016 của Chính phủ cũng đã nhắc đến chuyện các bộ, ngành, địa phương "không nên đá quả bóng trách nhiệm lên Thủ tướng và các phó Thủ tướng".

Quốc Phong

-----

[1] Nghị định 123/2016/NĐ- CP ngày 1/9/2016.

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/trai-bong-o-chan-cac-bo-truong-xin-dung-day-ve-thu-tuong-356785.html