Trách nhiệm xã hội

Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố thiết lập đường dây nóng nhằm tiếp nhận thông tin phản ánh về hiện tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí sách nhiễu doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Đường dây nóng ra đời trong bối cảnh này được coi là cần thiết, đối với lĩnh vực được coi là 'quyền lực thứ 4'.

Bạn đọc tại triển lãm “Tư liệu báo chí về Hoàng Sa”, tổ chức tại Đà Nẵng ngày 12/9. Ảnh: Ngọc Phúc.

Một trong những lý do quan trọng của việc lập đường dây nóng này là để chủ động ngăn chặn và có biện pháp xử lý hành vi vi phạm. Bởi thực tế, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân phản ánh về hiện tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí, thậm chí giả mạo nhà báo để sách nhiễu doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm trục lợi, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của đội ngũ những người làm báo chân chính.

Tuy nhiên, ở góc độ luật pháp, việc công bố đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh về vi phạm của nhà báo không phải là “chiếc gậy” điều chỉnh duy nhất. Bởi những hành vi cấm đối với nhà báo đã được quy định khá chi tiết, cụ thể ở Luật Báo chí năm 1999, sau này là Luật Báo chí sửa đổi năm 2016.

Không những vậy, trước các hạn chế về đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo và từ yêu cầu trực tiếp, cụ thể đối với đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và chương trình hành động của Hội Nhà báo Việt Nam.

Theo đó tại Điều 3, quy định: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc. Như vậy có thể nói hệ thống pháp luật điều chỉnh đối với cơ quan báo chí, hay nhà báo đã khá hoàn thiện từ hành nghề cho đến đạo đức.

Nhưng ở khía cạnh đạo đức, chưa bao giờ câu chuyện trách nhiệm xã hội của nhà báo lại được nhắc tới nhiều như hiện nay. Khi mà vai trò thông tin và định hướng dư luận trong thời đại thông tin và công nghệ phát triển như vũ bão, nền kinh tế và đời sống xã hội đang chuyển đổi mạnh mẽ trong hội nhập thì trách nhiệm xã hội của người làm báo lại càng được quan tâm hơn.

Thực tế, hoạt động báo chí ở Việt Nam đã tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần vào sự phát triển của đời sống xã hội. Qua báo chí, nhiều tấm gương tốt được biểu dương, nhiều vụ việc tiêu cực được phơi bày, nhiều vấn đề bức xúc được giải quyết.

Dẫu những sai phạm của báo chí không làm biến đổi dòng chảy của báo chí cách mạng Việt Nam nhưng một số sai phạm trong hoạt động báo chí chủ yếu liên quan tới đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đã ít nhiều gây ảnh hưởng tới xã hội.

Khi mà nhiều tổ chức, doanh nghiệp vẫn “sợ” báo chí, coi báo chí như là cơ quan “quyền lực thứ 4”, thì ở khía cạnh quản lý nhà nước trong bối cảnh hiện nay, việc công bố đường dây nóng của Cục Báo chí được cho là kịp thời, trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin.

Sự xói mòn của đạo đức báo chí đi liền với quá trình thương mại hóa đã và đang diễn ra trong ngành công nghiệp truyền thông. Trong những hành vi không chuẩn mực, có những hành vi do non yếu về trình độ, bản lĩnh chính trị, nhưng cũng có những hành vi là do cố tình vi phạm về pháp luật, vi phạm về đạo đức nghề nghiệp. Và đây là vấn đề không chỉ là thách thức đối với báo chí Việt Nam mà còn là vấn đề mang tính toàn cầu mà nền báo chí thế giới hiện nay đang phải đối mặt.

Trong cuốn “Cơ sở lý luận báo chí”, hiện đang được dùng làm giáo trình giảng dạy cho sinh viên ngành báo chí ở các trường đại học, cao đẳng tại Nga và đây được coi là tài liệu nhập môn báo chí, cung cấp những kiến thức cơ bản và hệ thống về lĩnh vực báo chí, tác giả E.P. Prokhorop đã đề cập: Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là những quy định đạo đức không được ghi trong đạo luật, nhưng được chấp nhận trong giới báo chí và được duy trì bởi sức mạnh của dư luận xã hội, bởi các tổ chức sáng tạo nghề nghiệp.

Và đó là những nguyên tắc, những quy định hoặc quy tắc về hành vi đạo đức của nhà báo. Còn nhà báo Peter Arnett, người từng đoạt giải Pulizer (một trong những giải thưởng danh giá nhất về báo chí) năm 1966, với những tác phẩm báo chí về chiến tranh Việt Nam từng nhắc đến phải viết như sự thật vốn có.

Và theo ông, phóng viên nên làm việc tích cực, thu thập thông tin, phỏng vấn, tuân theo các quy định, đưa ra những đánh giá chung về một sự việc một cách khách quan. Nhưng trước hết phải là người có trách nhiệm vì quần chúng và mang lại lợi ích cho xã hội.

Mới đây, khi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, vấn đề đầu tiên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến chính là công tác quản lý báo chí. Mà theo người đứng đầu Chính phủ: Việc triển khai quy hoạch báo chí còn chậm; quản lý báo chí, mạng xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập. Tình trạng báo chí bị thương mại hóa với việc đăng tải thông tin, hình ảnh thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục, tác động tiêu cực, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí.

Chính vì vậy, Thủ tướng đã lưu ý cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý báo chí, thông tin điện tử và mạng xã hội, đồng thời có giải pháp hiệu quả để giám sát, quản lý các mạng xã hội.

Đã là quyền lực thì cần có sự kiểm soát quyền lực, để không lộng quyền hay lạm quyền. Muốn vậy quyền lực được giao cần được kiểm soát chặt chẽ bằng những quy định pháp luật mang tính cụ thể. Vì vậy, đường dây nóng để tiếp nhận xử lý những vấn đề nóng là sự đòi hỏi của thực tiễn. Tự do báo chí nhưng phải được đặt trong khuôn khổ của luật pháp. Và, xã hội luôn mong muốn mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí luôn làm tốt trách nhiệm xã hội rất cao cả của mình, xứng đáng với sự trông chờ, tin cậy của toàn xã hội.

Hoài Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/trach-nhiem-xa-hoi-tintuc417574