Trách nhiệm xã hội: 'Vũ khí mềm' của doanh nghiệp

Để cạnh tranh trên thị trường, xu hướng 'xanh hóa' trong xây dựng thương hiệu cũng như vấn đề trách nhiệm xã hội ngày càng phổ biến. Đây được coi là 'vũ khí mềm' trong chiến lược cạnh tranh được các doanh nhân, doanh nghiệp lựa chọn.

Trách nhiệm xã hội

Tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019 diễn ra mới đây, chủ đề về kinh tế tuần hoàn đã thu hút đông đảo báo chí, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý tham dự. Chia sẻ thực tiễn từ doanh nghiệp mình, đại diện Heineken Việt Nam cho biết, tại công ty đã có gần 99% phế thải, phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế, 100% nước thải đạt tiêu chuẩn an toàn loại A trước khi trả về môi trường; 4 trên 6 nhà máy bia sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải các-bon; giảm 2.500 tấn phát thải Co2 chỉ riêng trong khâu kho vận trong năm 2018.

Sản xuất giấy được cho là một trong những ngành công nghiệp có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường

Sản xuất giấy được cho là một trong những ngành công nghiệp có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường

Tương tự, Công ty Lee & Man Việt Nam cũng đặt mục tiêu phát triển không thể tách rời bảo vệ môi trường. Sản xuất giấy được cho là một trong những ngành công nghiệp có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, để giải quyết nghịch lý này, Lee & Man Việt Nam đã chọn sử dụng giấy tái chế. "Chúng tôi luôn cố gắng tái sử dụng những nguyên liệu có thể tái sản xuất để giảm thiểu áp lực cho môi trường, đồng thời tiết kiệm chi phí" - ông Patrick Chung – Tổng giám đốc Lee & Man Việt Nam - cho hay. Với việc sử dụng hơn 95% nguồn nguyên liệu là giấy tái chế, Lee & Man góp phần giúp Việt Nam giảm khai thác 24 triệu cây xanh, tiết kiệm khoảng 45,5 triệu m3 nước và khoảng gần 6 tỷ kWh điện. Công ty cũng chi hàng triệu USD mỗi năm cho công tác xử lý chất thải.

Kiến tạo tương lai xanh

Chất lượng "xanh" ngày càng trở thành lợi thế cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp nhằm chiếm lĩnh thị phần tốt hơn. Để xây dựng chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh, doanh nghiệp cần xây dựng được hình ảnh thương hiệu, sử dụng công nghệ giảm thiểu năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả. Đồng thời, thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường… Luôn đặt vấn đề sức khỏe vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm để cung cấp cho khách hàng và có một chiến lược trọng tâm về phát triển sản phẩm gắn liền với cam kết bền vững.

Tuy nhiên, thực tế, để phát triển thương hiệu "xanh" ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi họ chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa 2 mục tiêu "lợi nhuận và tăng trưởng xanh". Vì phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh và vấn đề về công nghệ.

Năm 2016, Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP). Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025, có thể đáp ứng được các nội dung của nền kinh tế tuần hoàn. Bộ Công Thương cũng đang dự thảo Chương trình hành động quốc gia về SCP với các giải pháp, quan điểm của kinh tế tuần hoàn để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030. Nhiều sáng kiến cũng đã được xây dựng và đưa vào thực tiễn. Chẳng hạn, với ngành dệt may, những phần vải vụn được doanh nghiệp đưa vào tái chế thành vải mới hay như bã, vỏ hạt cà phê được tận dụng và sản xuất thành những chiếc cốc uống cà phê đạt tiêu chuẩn.

Trước các dự báo chỉ ra rằng, đến năm 2050, lượng rác thải sẽ nhiều hơn lượng cá trên đại dương. Đây là những điều cần suy nghĩ không chỉ với doanh nghiệp mà mỗi cá nhân. Việc đầu tư phát triển thương hiệu xanh, gắn với trách nhiệm xã hội dù nhiều tốn kém, chi phí cho doanh nghiệp nhưng đây sẽ là đường dài để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn tới môi trường. Thậm chí, họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một sản phẩm cam kết có ảnh hưởng tích cực đến môi trường, sản phẩm có thương hiệu "xanh" và "sạch". Ngược lại, cũng chính họ sẽ "tẩy chay", quay lưng với những doanh nghiệp gây ô nhiễm hoặc có những hoạt động ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, doanh nghiệp phải chú trọng hơn trong các hành động phát triển bền vững vì cộng đồng. Các doanh nghiệp phải đảm bảo tính thân thiện với môi trường từ khâu đầu vào, đầu ra, đến phát thải cuối cùng.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhận định, đội ngũ doanh nhân Việt Nam được coi là "những người lính thời bình" đã và đang có nhiều đóng góp xây dựng đất nước, đồng thời tham gia sâu, rộng hơn vào hội nhập kinh tế quốc tế. Để nâng cấp doanh nghiệp thì yêu cầu phát triển bền vững và chuyển đổi số là hai đường ray chính. Chiến lược phát triển của doanh nghiệp phải coi phát triển bền vững là nền tảng, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số là động lực.

TS. Nguyễn Hoàng Nam - Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường:
Kinh tế tuần hoàn chính là chìa khóa để hóa giải mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Năm 2018, có 34 quốc gia thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn với 118 mô hình tiêu biểu.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trach-nhiem-xa-hoi-vu-khi-mem-cua-doanh-nghiep-126496.html