Trách nhiệm xã hội từ truyền thông và bán hàng

Những ngày gần đây, thông tin về những chai nước táo lên men mang thương hiệu Strongbow Cider lấp liếm trong truyền thông về độ cồn tương đương bia, cũng như sự thiếu trách nhiệm trong cảnh báo và bán hàng của một số chuỗi bán lẻ, đang thu hút sự quan tâm rất lớn của người tiêu dùng, đặc biệt là các phụ huynh có con dưới 18 tuổi.

Sự việc bắt đầu bằng những thông tin được đăng trên trang mạng cá nhân của bác sĩ nhi khoa Trần Thị Huyên Thảo. Theo đó, bác sĩ Thảo đã thấy một số trẻ khoảng 10-13 tuổi mua Strongbow Cider rất thoải mái trong một cửa hàng tiện lợi. Nhân viên cửa hàng cũng không cảnh báo cho khách mua rằng đây là thức uống có cồn, và sản phẩm chỉ dành cho người trên 18 tuổi.

Theo phân tích của bác sĩ Thảo, nước táo lên men này chính là rượu táo và khi uống một chai Strongbow Cider cũng tương đương một chai bia Heineken. Ngay sau khi bác sĩ Thảo lên tiếng, nhiều phụ huynh có con nhỏ lên tiếng phản ánh vấn đề này, cho rằng cần nói rõ đó là sản phẩm có cồn, cấm trẻ dưới 18 tuổi sử dụng.

Đúng là lâu nay khi đến các siêu thị hay vào các quán ăn, thấy các bạn PG quảng cáo sản phẩm Strongbow Cider là nước táo lên men và nhiều gia đình cũng chủ quan cho các bé nhỏ dùng. Tất nhiên do dùng với lượng nhỏ nên chưa thấy ngấm cồn. Rõ ràng cái sai đầu tiên chính là ở người tiêu dùng khi chưa đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, bởi trên chai Strongbow Cider đúng là có ghi độ cồn 4,5%, nhưng phần ghi này khá nhỏ. Song cái sai lớn hơn chính là việc truyền thông của các nhãn hàng.

Nếu Strongbow được ghi chính xác là rượu táo có lẽ sẽ không bao giờ các cha mẹ chủ quan cho trẻ con trong nhà sử dụng. Thực tế, không chỉ nhãn hàng Strongbow, hiện trên thị trường cũng có một số nhãn hàng thức uống có cồn khác núp dưới cái danh nước trái cây lên men hương tự nhiên để đánh lừa phần đông người tiêu dùng.

Nhãn hàng truyền thông thiếu trung thực, nhưng đơn vị bán lẻ cũng không có cảnh báo cho người mua. Là một nhà bán lẻ có trách nhiệm, có lẽ những cửa hàng tiện lợi, siêu thị cần ghi ra những cảnh báo rõ ràng về sản phẩm, cũng như có những khuyến cáo cụ thể cho khách hàng nhỏ tuổi khi muốn mua hàng. Thực tế trước khi có bài đăng của bác sĩ Huyên Thảo, khi tìm mua trên các trang thương mại điện tử như tiki hay Lazada… cũng không thấy có cảnh báo nào. Thế nhưng, thời điểm này cả hai trang thương mại điện tử lớn đều nhanh chóng chỉnh sửa thông tin như thông báo rõ độ cồn, cảnh báo độ tuổi sử dụng.

Lâu nay chúng ta vẫn hay bàn về trách nhiệm xã hội của DN. Nhiều DN cũng thường phô trương các chương trình thiện nguyện của mình trên mặt báo, như một cách thể hiện trách nhiệm xã hội bên cạnh việc kinh doanh. Điều này không sai, tuy vậy thông qua câu chuyện này, một lần nữa cần khẳng định việc thực hiện trách nhiệm xã hội trước hết là phải trung thực trong hoạt động kinh doanh và truyền thông cho sản phẩm. Vẫn biết truyền thông cần nói cho hoa mỹ hơn để thu hút người tiêu dùng, nhưng không có nghĩa là nói sai sự thật.

Thanh Phương

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/trach-nhiem-xa-hoi-tu-truyen-thong-va-ban-hang-64162.html