Trách nhiệm với thông tin

Mấy tuần qua trong dư luận xã hội lan tỏa hai thông tin có tầm ảnh hưởng rộng, gây nhiều hoang mang cho số đông người vì không được các nơi liên quan sớm giải thích.

Việc xem nhẹ hiệu ứng thông tin dễ dẫn đến nhiều nỗi hoang mang trong dân chúng.

Một là Thông tư 19/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép thương nhân thanh toán bằng đồng nhân dân tệ (CNY) tiền mặt trong hoạt động ngoại thương ở các tỉnh biên giới phía bắc.

Theo lời Vụ phó Vụ Quản lý ngoại hối của NHNN, thông tư này để hướng dẫn thực hiện Nghị định 14/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới vừa ban hành trong năm nay. Đồng thời, nó nhằm khắc phục những vướng mắc tại Quyết định 689/2004 về cơ chế thanh toán biên mậu Việt - Trung.

Thế nhưng, sự giải thích chỉ nói theo tinh thần văn bản, chưa thuyết phục được dư luận, nhất là giới chuyên gia kinh tế, khiến nhiều người hoài nghi còn có điều gì khuất tất.

Thông tin thứ hai là câu chuyện đánh vần tiếng Việt theo Chương trình công nghệ giáo dục tiếng Việt lớp 1 đang gây tranh cãi trên mạng xã hội với nhiều lời lẽ xúc phạm gay gắt giữa hai phía khác nhau về quan điểm - thậm chí phỉ báng nhau. Vậy mà phải hơn mười ngày sau, một thứ trưởng ngành giáo dục mới lên tiếng. Điều này khiến người ta nhớ lại chuyện tày trời sửa điểm kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học diễn ra tại nhiều tỉnh trên cả nước hồi tháng 7 vừa qua làm giảm uy tín ngành giáo dục, mất lòng tin trong người dân, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại im hơi lặng tiếng một thời gian dài như cố tình không xem đó là trách nhiệm thuộc về mình.

Mấy dẫn chứng trên đây làm rõ nét thêm một thực tế là các cơ quan quản lý nhà nước dường như chưa có thói quen phản ứng nhanh trước sự việc không bình thường gây hoang mang trong xã hội. Thời đại Internet len lỏi vào ngóc ngách đời sống con người, Facebook trở thành sân chơi phổ biến đến mức ai cũng có thể đưa tin và bình luận thời cuộc theo cách nhìn riêng, thì việc xem nhẹ hiệu ứng thông tin dễ dẫn đến nhiều nỗi hoang mang trong dân chúng. Không những thế, điều này còn thể hiện một thái độ thiếu lắng nghe của cơ quan chức năng nếu không muốn nói là xem thường dư luận.

Cũng có lập luận rằng thời đại tin bịa tràn lan thì công cụ nào đủ sức làm rõ đúng - sai, nhưng xin đừng quên tin bịa là sản phẩm của một xã hội thiếu niềm tin, cho nên giải pháp khắc chế là phải tôn trọng sự thật, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ nếu không tìm cách “giải mã” ngay từ đầu nguồn tin để ứng xử đúng mức.

Gia Minh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278417/trach-nhiem-voi-thong-tin-.html