Trách nhiệm với tài khoản khách hàng

Việc dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi (do Bộ Tài chính soạn thảo) đề xuất ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế đang gặp nhiều ý kiến.

Ông Nguyễn Trí Hiếu.

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu cơ quan thuế yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng từ thông tin tiền lãi để cơ quan thuế có cơ sở truy thu thuế thì được. Nhưng việc yêu cầu khai báo có bao nhiêu số dư hoặc tài khoản ngân hàng là điều không hợp lý.

PV: Thưa ông, ông nghĩ sao khi Dự thảo quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản của người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Tôi đưa một dẫn chứng để chúng ta nhìn nhận thêm các nước họ xử lý vấn đề này như thế nào. Tại Mỹ, mỗi năm ngân hàng đều phải báo cho cơ quan thuế về tiền lãi mà khách hàng phát sinh từ tiền gửi của mình, còn không báo số dư trên tiền gửi. Tiền lãi đó được xem như là thu nhập và ngân hàng cuối năm báo cho cơ quan thuế tiền lãi mà mỗi khách hàng nhận được để phục vụ cho việc đóng thuế.

Nếu bất cứ cơ quan điều tra nào muốn thông tin về tài khoản như tên, số tài khoản, số dư thì phải có lệnh của tòa án mới được yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin. Cơ quan thuế không có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin, và ngân hàng bảo vệ bí mật của khách hàng một cách tuyệt đối. Đó cũng là thông lệ quốc tế, và các nước khác cũng áp dụng như vậy.

Do đó theo tôi, nếu cơ quan thuế yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng từ thông tin tiền lãi để cơ quan thuế có cơ sở để truy thu thuế thì được. Nhưng việc yêu cầu khai báo có bao nhiêu số dư hoặc tài khoản ngân hàng là điều không hợp lý.

Nhưng lý do được cơ quan soạn thảo đưa ra là muốn chống tình trạng trốn thuế, thưa ông?

-Theo tôi đó không phải là giải pháp chính giúp cơ quan thuế truy thu, hay điều tra xem họ có nợ thuế hay không. Vì nếu ngân hàng cung cấp thông tin về số dư tài khoản, thời điểm mở tài khoản cho cơ quan thuế thì cũng không thể khẳng định họ có trốn thuế hay không vì tài khoản của họ có thể có dòng tiền đến từ nhiều nguồn khác nhau, không chỉ tiền của họ mà của gia đình, anh em bạn bè gửi vào tài khoản đó. Thành ra việc chuyển thông tin về số dư tài khoản cho cơ quan thuế cũng không giúp gì nhiều cho việc điều tra, xem xét xem có trốn thuế hay không, mà phải dùng các phương pháp khác.

Thực ra, khi cơ quan thuế có thông tin tài khoản tôi không lo ngại lắm về vấn đề bí mật thông tin của khách hàng. Vì khi có thông tin, cơ quan thuế phải có trách nhiệm bảo mật thông tin, không để lộ cho người khác. Nhưng tôi lo ngại rằng nó có thể bị cơ quan thuế lạm dụng, tức là không biết cơ quan thuế dùng thông tin đó để làm gì, hoặc khi nhân viên của cơ quan thuế biết được thông tin và họ sử dụng với mục đích gì thì chúng ta không kiểm soát được. Do đó có khả năng thông tin đó bị lợi dụng.

Ảnh minh họa.

Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề là phải quy định rõ việc cơ quan thuế được yêu cầu ngân hàng cung cấp ở mức nào, nếu không sẽ dẫn đến sự lạm quyền và làm lộ thông tin của khách hàng. Để tránh sự tùy tiện, trong các văn bản dưới luật nên quy định cụ thể những trường hợp phải cung cấp thông tin khi ngành thuế yêu cầu? Quan điểm của ông về vấn đề này?

-Dự thảo cần nêu rõ ai được phép truy cập dữ liệu này, nếu không tình trạng bán thông tin khách hàng sẽ xảy ra. Chúng ta không thể biết được cán bộ cơ quan thuế dùng thông tin đó cho mục đích gì.

Ví dụ, ngay cả những người trong cơ quan thuế tại Mỹ, khi họ biết khách hàng có tiền trong tài khoản họ có thể gây áp lực cho khách hàng là biết họ có bao nhiêu tiền, và tiền này theo chúng tôi là ông trốn thuế nhằm tạo ra áp lực để lợi dụng tống tiền.

Vì vậy, việc cơ quan thuế có thông tin về khách hàng như vậy có thể khiến bị chính cơ quan thuế, hoặc cán bộ thuế lợi dụng. Vì vậy để tránh tình trạng đó, tất cả các thông tin chỉ có thể được ngân hàng cung cấp cho cơ quan thuế nếu có lệnh của tòa án.

Vậy trong bối cảnh hiện nay, theo ông chúng ta cần giải pháp như thế nào để ngăn chặn tình trạng trốn thuế?

-Trốn thuế ở nước ta đã ở mức kinh khủng. Và Chính phủ bị thất thu thuế từ việc trốn thuế. Có nhiều doanh nghiệp tài sản đổ sộ nhưng không đóng thuế và khai lỗ trong kinh doanh để không đóng thuế. Ngân sách bị thất thu do trốn thuế là rất nhiều.

Nguyên nhân là do tài sản của ta không được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là tài sản bất động sản. Ở các nước tài sản bất động sản được đăng ký, giá trị bao nhiêu rất rõ ràng. Trong khi ở nước ta người dân mua bất động sản bằng tiền mặt và không ai kiểm soát lượng mua, thành ra chúng ta không kiểm soát được tài sản, và trong đó có nhiều tài sản do trốn thuế mà có.

Nhưng tôi xin nhắc lại rằng giải pháp như Dự thảo quy định ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế là không hợp lý. Vì không ai tham nhũng, trốn thuế mà lại đi nộp tiền vào ngân hàng. Vì tiền đó là tiền có thể bị các cơ quan chức năng kê biên bất cứ lúc nào.

Mặt khác, dùng ngân hàng để điều tra và truy thu thuế là việc chưa hợp lý ở thời điểm này khi nền kinh tế vẫn dùng tiền mặt là chủ yếu, từ mua nhà cho đến mua xe. Mà tiền mặt không để lại dấu vết nên thành ra tiền bẩn “chạy” rất dễ dàng. Hiện tại chúng ta yêu cầu bắt cán bộ phải kê khai tài sản cũng là một biện pháp, vì đó cũng là bước đầu để minh bạch hóa thông tin về tài sản cá nhân, nghĩa là bắt người kê khai phải khai báo về tài sản.

Về lâu dài, những giao dịch lớn cần không cho phép giao dịch bằng tiền mặt. Mua nhà, mua xe phải qua hệ thống ngân hàng. Khi đổ tiền vào ngân hàng mới tìm được dấu vết của đồng tiền, chứ tiêu tiền mặt là tản mạn trong xã hội. Chúng ta đã có quy định mua xe, hay tài sản lớn phải thông qua hệ thống ngân hàng từ mấy năm nay nhưng việc thực thi rất yếu, chưa có vụ kiện nào hay ai bị đưa ra tòa vì mua tài sản giá trị lớn mà dùng tiền mặt cả, và việc mua tài sản bằng tiền mặt cũng rất phổ biến.

Bởi vậy phải thực thi pháp luật nghiêm chỉnh, theo đó tất cả tài sản lớn phải qua hệ thống ngân hàng, làm sao để nền kinh tế trở thành phi tiền mặt.

Bên cạnh đó, trốn thuế cũng nằm ở hoạt động rửa tiền, những người trốn thuế bao giờ cũng tìm cách rửa tiền bẩn mà họ trốn thuế. Họ luôn tìm cách rửa tiền bẩn sang tiền sạch bằng việc dùng tiền đó mua tài sản, hoặc gửi tiền ra nước ngoài thông qua mua bán cổ phần của các doanh nghiệp để biến tiền bẩn thành tài sản sạch hợp pháp. Do đó chúng ta cần thực hiện Luật Phòng chống rửa tiền một cách nghiêm túc hơn nữa.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/trach-nhiem-voi-tai-khoan-khach-hang-tintuc415885