Trách nhiệm với cộng đồng

Không còn nghi ngờ gì nữa, mạng xã hội đã trở thành một phần quan trọng của đời sống xã hội. Và khi đã là một thực thể đời sống, bao giờ cũng buộc phải được điều chỉnh bằng những quy ước xã hội, ngoài những chế tài luật pháp.

Việc cần có một bộ quy tắc ứng xử trên mạng, có thể hiểu như việc ra đời của quy ước. Giống như đời thực, cái tốt cái xấu bao giờ cũng song hành. Và để việc điều tiết cho mạng xã hội phát triển theo hướng lành mạnh ngoài quản lý theo luật pháp, còn cần việc đề ra những chuẩn mực.

Quy tắc ứng xử là cần thiết khi bùng nổ các địa chỉ mạng xã hội.

Việc Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng dự thảo Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi) được cho là nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của mạng xã hội, nâng cao chuẩn mực đạo đức của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam. “Mặt trái của mạng xã hội luôn tồn tại và không thể xóa bỏ, mà chỉ có thể hạn chế nó. Vì vậy, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần có một thể chế “mềm” và việc ban hành một bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết”- đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo.

Một trong những điểm đáng quan tâm trong dự thảo Bộ quy tắc ứng xử này là việc đề nghị người sử dụng mạng xã hội phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai nơi làm việc. Công khai danh tính, đầu mối liên lạc của cá nhân có trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội của tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện quản trị, đăng tải nội dung thông tin lên mạng xã hội. Bộ Quy tắc cũng yêu cầu người sử dụng không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi ứng xử trên mạng xã hội; ứng xử thuận chiều với thông tin xấu, độc, tin đồn, ảnh hưởng tiêu cực; Ứng xử trên mạng xã hội trái với chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp; Cung cấp thông tin nội bộ liên quan đến các cá nhân, tổ chức mà do vị trí công tác của mình có được khi chưa được ủy quyền bởi cơ quan có thẩm quyền…

Như vậy có thể hiểu một nội dung lớn trong Bộ quy tắc là nhằm để điều chỉnh đối với ứng xử trên mạng xã hội của cán bộ, công chức, viên chức. Mặc dù vậy, Bộ quy tắc không bao gồm chế tài xử lý mà chỉ là những chuẩn mực xã hội, mang tính chất khuyến cáo. Và ứng xử của cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước trên mạng xã hội sẽ còn phải điều chỉnh bằng những bộ quy tắc riêng khác nữa do các cơ quan, tổ chức ban hành và ra quy định cho phù hợp.

Tính đến nay, theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, thời lượng sử dụng Internet trong một ngày của người Việt Nam đạt tương ứng khoảng 7 giờ, trong đó có 2,5 giờ dành cho mạng xã hội. Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép hoạt động cho 436 mạng xã hội. Trong đó, Facebook đang là mạng xã hội có số lượng người Việt Nam sử dụng nhiều nhất với khoảng 55 triệu tài khoản, chiếm 57% dân số. Việt Nam đang xếp thứ 7 trong top 10 quốc gia có số lượng người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới… Những con số cho thấy mạng xã hội đã bước vào và chi phối đời sống xã hội lớn tới mức nào. Tới mức, thậm chí có nhiều sự việc của không ít cơ quan công quyền đã bị động chạy theo sức ép của mạng xã hội.

Hiển nhiên, mọi quốc gia trên thế giới đều đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân nhưng cũng với mọi quốc gia không có quyền hạn nào là vô hạn, là không đặt trong khuôn khổ luật pháp quốc gia. Mạng xã hội cũng vậy. Mọi hành xử ở đó, mỗi câu mỗi chữ đều phải và nên được đặt trong một ràng buộc đạo đức và luật pháp chung của cả cộng đồng. Đã là xã hội chắc chắn có cả mặt tốt và mặt xấu. Và luật pháp ra đời là để điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội. Khi đã xuất hiện thêm một không gian xã hội là mạng internet (dù là ảo) thì phải có pháp luật và những qui tắc ứng xử để điều chỉnh. Tuy nhiên, điều dư luận xã hội và cộng đồng mạng xã hội quan tâm là Bộ quy tắc ứng xử khi ra đời phải giúp cho ứng xử của người sử dụng đạt tới những chuẩn mực đạo đức xã hội nhưng phải trên tinh thần tôn trọng quyền công dân, tạo điều kiện cho xã hội phát huy dân chủ, trong khuôn khổ tuân thủ pháp luật.

Được hưởng thụ một nền hạ tầng viễn thông phát triển vào loại nhất trong khu vực là một sự văn minh đối với các công dân Việt Nam. Nhưng không thể được gọi là văn minh nếu phương tiện hiện đại ấy lại trở thành nơi để nảy sinh những nguy cơ khác. Tình trạng xúc phạm và làm tổn thương các cá nhân vẫn diễn ra thường xuyên trên mạng internet. Các trang cá nhân không chỉ dừng lại ở mức gây hại cho các cá nhân mà còn có tung tin thất thiệt làm nhiễu loạn xã hội. Nói như một vị chuyên gia, nếu bạn đi trên đường, bạn cũng không thể đi nghênh ngang trái luật, muốn đi thế nào thì đi, muốn đâm vào ai thì đâm. Trong cuộc sống hằng ngày, khi tương tác với nhau trên mạng xã hội cũng phải có những chuẩn mực ứng xử. Mạng xã hội chính là một xã hội thu nhỏ. Và xã hội ấy cần có những quy ước với nhau, để làm lành mạnh môi trường sống.

Ngọc Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/trach-nhiem-voi-cong-dong-tintuc425305