Trách nhiệm và quyết tâm trong đổi mới giáo dục

Dù những thành quả trong giáo dục khó có thể đưa ra con số định lượng cụ thể để tính toán, nhưng 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW đã tạo nhiều chuyển biến tích cực đối với GD-ĐT Nghệ An. Thể hiện trách nhiệm, quyết tâm, khoa học của ngành và cả hệ thống chính trị địa phương.

Giáo viên Nghệ An tham gia tập huấn đổi mới phương pháp dạy học

Những thành quả đổi mới rõ nét

Thành tựu nổi bật đầu tiên trong thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT ở Nghệ An là đổi mới quy chế kiểm tra, đánh giá; giảm tải các kỳ thi, góp phần tạo niềm tin của người dân vào ngành Giáo dục.

Thời gian qua, Nghệ An đã dần bãi bỏ các cuộc thi không hiệu quả, gây áp lực cho học sinh mà chỉ còn tổ chức Kỳ thi HSG cấp huyện, thành, thị cho HS lớp 9; thi HSG cấp tỉnh cho học sinh lớp 9, 11; kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT; thi KHKT học sinh trung học và Kỳ thi THPT quốc gia (theo quy định của bộ GD&ĐT).

Bên cạnh đó, để tăng cường các kỹ năng, năng khiếu và sự sáng tạo của học trò, thì tổ chức các cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ, ngày hội thể thao… Riêng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, năm 2018 là năm đầu tiên Sở GD&ĐT tổ chức đổi mới đưa bài thi tổ hợp (ngoại ngữ, 1 môn KHTN, 1 môn KHXH) vào làm môn thứ 3, tổ chức thi trắc nghiệm khách quan.

Kết quả năm đầu tiên thực hiện theo hình thức thi mới đã đảm bảo mục tiêu tuyển sinh vào lớp 10, đồng thời, tác động vào dạy - học trong các nhà trường theo hướng toàn diện hơn.

Nghệ An cũng là tỉnh thực hiện tương đối khoa học, hiệu quả các mô hình giáo dục: Mô hình Trường học mới ở tiểu học và THCS; các chương trình dự án SEQAP, VVOB, THCS pha 2… Qua đó, làm tiền đề xây dựng và triển khai Chương trình GD phổ thông tổng thể.

Việc đổi mới cách tổ chức, kiểm tra, đánh giá học sinh đã từng bước thực hiện mục tiêu tích hợp nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Những năm qua, Nghệ An cũng từng bước đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT. Trong đó, chủ động, tích cực chuẩn bị chu đáo các điều kiện về chủ trương định hướng, đội ngũ, cơ sở vật chất tiếp cận thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới vào năm học 2019 - 2020.

Giải pháp tạo sự đột phá

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trên, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An - bà Nguyễn Thị Kim Chi - cũng thẳng thắn nêu một số hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại qua quá trình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW tại địa phương như: Công tác tuyên truyền, việc xây dựng ban hành các đề án, kế hoạch, về chất lượng giáo dục toàn diện;

Số lượng, cơ cấu và việc bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học, THCS còn bất cập; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, dạy chéo môn nhiều năm chưa được giải quyết triệt để, gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục.

Năng lực cán bộ quản lý, giáo viên vẫn còn một số hạn chế chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình phổ thông.

Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội đối với giáo dục.

Đổi mới các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước đồng bộ, chuẩn hóa, hiện đại hóa. Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GD-ĐT. Thực hiện phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả GD-ĐT bảo đảm trung thực, khách quan.

Trước mắt, Sở sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới đảm bảo khoa học, phù hợp với địa phương và hiệu quả đối với người học. Cam kết chất lượng GD-ĐT của từng cấp học, bậc học và của từng cơ sở giáo dục theo chuẩn. Đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp sau THCS và THPT...

Riêng việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được xem là nhiệm vụ quan trọng, then chốt góp phần quyết định cho thực hiện thành công của công cuộc đổi mới.

Hồ Lài

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/trach-nhiem-va-quyet-tam-trong-doi-moi-giao-duc-3955476-b.html