Trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng

Với một quốc gia, dù chiến tranh hay hòa bình, đều cần có một nền quốc phòng vững chắc. Việc tham gia nghĩa vụ quân sự luôn là trách nhiệm thiêng liêng, thể hiện vai trò góp phần bảo vệ Tổ quốc của mỗi công dân.

Không có ngoại lệ

Hàn Quốc nổi tiếng với những nghiêm ngặt trong Luật Nghĩa vụ quân sự. Do trên lý thuyết, đất nước này vẫn còn trong tình trạng chiến tranh và vẫn còn những xung đột chưa hóa giải hết nên tình trạng an ninh luôn được đề cao. Theo luật, tất cả những nam thanh niên Hàn Quốc, có sức khỏe tốt đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự với các mốc thời gian riêng biệt: 21 tháng trong quân đội, 23 tháng trong hải quân hoặc 2 năm trong không quân. Bên cạnh đó, nam công dân có thể chọn phục vụ trong ngành cảnh sát, lực lượng tuần duyên hay cứu hỏa… Sau thời gian phục vụ quân ngũ nói trên, họ sẽ nằm trong danh sách quân nhân dự bị trong 8 năm tiếp theo, chịu sự điều động ngay khi có lệnh. Độ tuổi mà Hàn Quốc áp dụng cho nghĩa vụ quân sự là từ 18 đến trước 35 tuổi. Gần như không có ngoại lệ nào trong điều luật này, dù bạn có là siêu sao ca nhạc hay bóng đá. Duy chỉ vận động viên đoạt Huy chương Vàng tại các giải đấu lớn như ASIAD hoặc Olympic mới được miễn trừ.

Tuy nhiên, mới đây nhất, Hàn Quốc đã thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự mới, rút ngắn thời gian nhập ngũ từ 21 tháng xuống còn 18 tháng, nhưng lại tăng những điều khoản khe khắt hơn. Nếu như trước đây, có thể trì hoãn việc nhập ngũ cho đến khi thu xếp xong các công việc cá nhân, thì kể từ tháng 8.2018, tất cả các thanh niên trên 18 tuổi, phải ngay lập tức thực hiện nghĩa vụ theo giấy gọi. Thêm vào đó, luật đưa ra hạn chế các nam công dân trên 25 tuổi không được xuất ngoại quá 5 lần một năm cũng như không được sống ở nước ngoài quá 6 tháng. Điều này làm xáo trộn giới showbiz nước này bởi ảnh hưởng nhiều đến công việc của các ngôi sao giải trí. Tuy nhiên, nếu cố tình trì hoãn, dư luận Hàn Quốc sẽ là những giám sát viên khắt khe với những trường hợp đó. Còn nhớ trường hợp của nam ca sĩ Yoo Seung Joon khi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự vào năm 2002. 13 năm sau, anh đã phải quỳ gối, thành khẩn xin lỗi trên truyền hình, nhưng không được khán giả chấp nhận.

Những tranh cãi về nghĩa vụ quân sự vẫn đang kéo dài ở Hàn Quốc buộc Chính phủ phải xem xét lại. Bà Choi Huun-soo, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng cho biết, Chính phủ sẽ tổng hợp ý kiến của công chúng cũng như các cơ quan liên quan để đánh giá lại tính công bằng và nhiều mặt khác của luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Nhưng với tình trạng giảm dân số trẻ, giảm thời gian nhập ngũ, người ta lo ngại sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực trong quân đội ở xứ kim chi.

Chính sách mềm dẻo

Là một quốc gia có nền quân sự mạnh hàng đầu thế giới nhưng Mỹ lại áp dụng chính sách duy trì lực lượng quân đội khá mềm dẻo. Chế độ nhập ngũ lần đầu tiên diễn ra ở cường quốc này là vào cuộc nội chiến năm 1861. Cuối thập niên 60, trước sức ép của những phong trào phản chiến, đến năm 1973, Tổng thống Nixon tuyên bố chấm dứt chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Kể từ đây, tham gia vào lực lượng quân đội là hoàn toàn tự nguyện. Ngoài lý do chính trị, trước hiện trạng dân số quá đông so với lực lượng quân sự cần duy trì, trong khi ngân sách quốc phòng cần cắt giảm, Mỹ đã chuyển sang áp dụng hình thức quân đội tự nguyện. Từ tháng 3.2016, một số binh chủng đã bắt đầu tuyển dụng phụ nữ tham gia chiến đấu.

Tuy là tự nguyện, nhưng theo yêu cầu, các công dân trong độ tuổi từ 18 đến 25 vẫn bắt buộc phải đăng ký thông tin tại Sở Tuyển binh Mỹ (SSS) để kịp thời điều động trong tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó, việc được tuyển vào quân đội với người Mỹ không phải là điều dễ dàng. Các ứng viên muốn đăng ký nhập ngũ phải vượt qua bài kiểm tra trên giấy và máy tính, kiểm tra thể lực và gặp các chuyên gia tuyển quân.

Một điều đáng ghi nhận trong chính sách trên là đa số người nhập ngũ đều có trình độ phổ thông hoặc đại học. Bởi vậy, tính chuyên nghiệp và kỷ luật của quân đội Mỹ càng được nâng cao. Những người tham gia quân ngũ sẽ được ký hợp đồng phục vụ trong 8 năm, với mức lương trung bình gần 60 nghìn USD/năm. Chính bởi sự chặt chẽ ngay trong khâu tuyển quân cũng như chế độ đãi ngộ, Mỹ luôn được đánh giá là một quốc gia có quân đội tinh nhuệ, chất lượng cao.

Theo Ngọc Minh/Báo Đại biểu Nhân dân

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/the-gioi/trach-nhiem-va-nghia-vu-thieng-lieng-17045.html