Trách nhiệm trước virus

Trong ngày lễ tình nhân vừa qua, một chàng trai từ Vĩnh Phúc đã lặn lội vài trăm km đến chơi nhà bạn gái của mình ở tận Lai Châu. Tại đây, đôi bạn đã ăn tối, tiếp xúc với nhiều người của gia đình cô gái.

Đó có thể sẽ là một kỷ niệm ngọt ngào nếu không có dịch viêm phổi cấp COVID-19 và chàng trai không phải là công dân của xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), nơi đang được coi là ổ dịch và có lệnh phong tỏa từ ngày 13/2/2020.

Cuối cùng, đã có tới 31 người, những người đã ăn tối, tiếp xúc với người bạn trai kia phải cách ly. Dù muốn, dù không và dù hết sức thông cảm đi chăng nữa vẫn phải khẳng định rằng cuộc sống của nhiều chục người bị xáo trộn, họ sẽ phải trải qua 2 tuần cách ly và ít nhiều phấp phỏng chờ đợi diễn biến sức khỏe trong suốt thời gian đó.

Đây là một câu chuyện nhắc nhở về trách nhiệm của mỗi cá nhân trước cộng đồng, trong thời điểm đặc biệt trước nguy cơ dịch bệnh.

Tất nhiên ở góc độ cá nhân, chẳng ai muốn mình bị bệnh cũng như tin rằng mình bị bệnh cho đến khi có những diễn biến triệu chứng của dịch bệnh thực sự. Nhưng sự tự tin ấy chỉ có ý nghĩa với cá nhân con người đó, còn với người khác, với cộng đồng, cá nhân ấy vẫn phải tuân thủ tất cả những yêu cầu từ phía cơ quan y tế cũng như cơ quan chức năng nhằm phòng chống dịch bệnh lây lan.

Với mục đích phòng chống dịch bệnh, cách ly, phong tỏa là một trong những biện pháp dù không mong muốn nhưng cơ quan chức năng vẫn phải thực hiện. Tất nhiên biện pháp này cũng ảnh hưởng không ít đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Nhưng mỗi người dân cũng cần hiểu rằng, trong tình thế cấp thiết, an toàn cho cộng đồng cần được đặt lên hàng đầu, và ở góc độ y học cũng như xã hội, an toàn cho cộng đồng cũng chính là an toàn cho mỗi gia đình mỗi cá nhân.

Trong trường hợp không khống chế được, dịch bệnh bùng phát, mỗi gia đình, mỗi cá nhân chắc chăn cũng bị ảnh hưởng trực tiếp mà những câu chuyện ở Vũ Hán (Trung Quốc) và mới nhất ở Hàn Quốc chính là những minh chứng cụ thể, rõ nét nhất. Sự liều lĩnh của cá nhân trong đa số trường hợp không chỉ khiến chính họ phải trả giá gánh chịu mà còn đem đến hậu quả tiêu cực cho cả cộng đồng.

Trong thời gian qua, không ít lần báo chí đã đăng tải về những vụ “bỏ trốn” của những người đang phải cách ly để theo dõi sức khỏe. Đó là những người trở về từ vùng dịch, hoặc đi qua vùng dịch. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện nghiêm việc cách ly người nghi nhiễm COVID-19.

Ở một góc độ khác, sự thận trọng quá mức cũng là một phản ứng tiêu cực không cần thiết và thường thể hiện dưới thái độ kỳ thị người bệnh, kỳ thị người nghi nhiễm và kỳ thị cả người chưa thuộc diện nghi nhiễm. Đầu tháng 2/2020, một người dân ở tổ 13 phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) đã viết lên bảng tin của tổ dân phố với nội dung: “có gia đình 4 người bị nhiễm virus corona”. Mấy chữ này đã đẩy những người khác vào tình thế lo sợ hoảng loạn không cần thiết.

Một vụ việc khác, ngày 14/2 khi có 3 người ở TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) về Thạch Hà (Hà Tĩnh) làm giỗ người thân, ngay khi nhận được tin báo, cơ quan chức năng của xã và huyện đã tới làm việc và yêu cầu những người này phải cách ly.

Phải vài ngày sau cơ quan y tế của tỉnh Hà Tĩnh mới “đính chính” và khẳng định việc làm của chính quyền huyện và xã là sai vì những người này không ở xã Sơn Lôi và đương nhiên không thuộc diện phải cách ly.

Ngoài ra, một bệnh viện khá nổi tiếng cũng bị bệnh nhân và người nhà tố có hành động kỳ thị các sản phụ chỉ vì họ đang ở Vĩnh Phúc. Ngay lập tức, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu bệnh viện này phải báo cáo lại vụ việc trước ngày 25/2.

Sự chủ quan hoặc quá lo sợ, hoang mang chắc chắn không những không có tác dụng phòng chống dịch bệnh mà ngược lại sẽ góp phần làm cho việc kiềm chế phòng chống dịch bệnh càng thêm khó khăn. Mỗi người cần bình tĩnh, thận trọng và lựa chọn cách ứng xử phù hợp để góp phần sớm đẩy lùi dịch.

Quang Lê

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/trach-nhiem-truoc-virus/388236.vgp