Trách nhiệm trong điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp

Năm nay Bộ có chủ trương ngay sau khi có phổ điểm các môn thi thì sẽ đối sánh với học bạ điện tử để thấy chất lượng thực với chất lượng quá trình.

Theo tinh thần đổi mới của giáo dục đại học, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng đang được triển khai theo hướng “kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo”, giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học.

Phương thức tuyển sinh đại học hiện nay rất đa dạng gồm: thi tuyển, xét tuyển (kết quả thi trung học phổ thông, học bạ trung học phổ thông) hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển, theo đó, cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 ngày 8/5, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh:

“Xét tuyển dựa vào kết quả học bạ là một phương thức tuyển sinh, tuy nhiên cơ sở giáo dục đại học cần lưu ý khi dành quá nhiều chỉ tiêu cho phương thức này bởi lẽ chất lượng điểm trong học bạ giữa các trường, các vùng miền có khác nhau.

Có vùng, điểm học bạ của học sinh cao vút, long lanh nhưng thực chất chất lượng chưa đạt được như vậy”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: moet.gov.vn)

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: moet.gov.vn)

Trước băn khoăn, hàng năm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp luôn đạt 97%, 98% thì Bộ trưởng Nhạ cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp là đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên mặt bằng cả nước để đánh giá được học sinh nào đáp ứng chuẩn tối thiểu, em nào trên mức tối thiểu tức là có độ phân hóa chứ không đơn thuần là Đạt hay Không đạt.

Căn cứ vào đó, ngành giáo dục có nhìn nhận tổng quan để lưu ý từng địa phương về nội dung, phương pháp, tổ chức, đánh giá quá trình dạy- học.

Ví như những năm trước khi điểm môn Lịch sử, Tiếng Anh trong kỳ thi quốc gia đạt ở mức thấp thì Bộ cùng các địa phương cùng nhau tìm nguyên nhân, đánh giá tác động để từ đó điều chỉnh phù hợp.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, năm nay Bộ có chủ trương ngay sau khi có phổ điểm các môn thi thì sẽ đối sánh với học bạ điện tử để thấy chất lượng thực với chất lượng quá trình do đó các trường đại học có thể căn cứ vào đó để xem xét.

"Điểm học bạ cao vút cả lên, học bạ long lanh, nhưng phổ điểm thi tốt nghiệp lại tụt xuống thì nhà trường đấy phải đặt câu hỏi, xã hội sẽ xem xét. Chúng ta phải ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau, dần dần sẽ có sự minh bạch tốt hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhắn nhủ, mặc dù các cơ sở giáo dục được tự chủ, đào tạo đa dạng ngành nghề tuy nhiên cần đề xuất tổ hợp xét tuyển phù hợp, tránh đưa ra tổ hợp lạ gây rối loạn xã hội.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trước đó, chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học nên hạn chế việc xét tuyển qua học bạ vì trong khi chất lượng đào tạo ở phổ thông còn chưa được kiểm soát chặt chẽ thì cách xét tuyển như vậy có thể không công bằng.

Giáo sư Trần Hồng Quân lý giải, các trường phổ thông khác nhau, các địa phương khác nhau, các thầy cô khác nhau khiến việc đánh giá cũng không giống nhau.

Ví như học sinh A có điểm ở học bạ ở mức Khá – Giỏi nhưng vẫn học lực đó ở trường khác thì lại chỉ đạt ở mức Trung bình.

Chính vì vậy, học bạ chỉ nên là cơ sở để các trường tham khảo.

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, hiện nay kết quả học tập ở phổ thông chưa được kiểm soát chặt chẽ về vấn đề cho điểm và chưa có chuẩn chung cho cả nước.

Điều này dẫn đến tình trạng trường chấm lỏng, trường chấm chặt, thầy này chấm lỏng, thầy kia chấm chặt… do đó nếu trường đại học chỉ dựa vào học bạ để xét tuyển thì không công bằng với thí sinh.

Muốn có chuẩn chung thì phải có hệ thống kiếm định chất lượng của các trường phổ thông như kiểm định đại học.

Thùy Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/trach-nhiem-trong-diem-hoc-ba-va-diem-thi-tot-nghiep-post209198.gd