Trách nhiệm thu thuế đối với loại hình vận tải uber; grab

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đã đưa ra ý kiến chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc Công ty TNHH Grabtaxi lỗ liên tục, với số lỗ âm 47 lần so với vốn chủ sở hữu. Như vậy, có cần đưa công ty này vào diện kiểm soát đặc biệt hay không?

Mặc dù sự việc đã được đưa ra nghị trường nhưng vấn đề không được giải quyết dứt điểm, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa tiếp tục chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính về trách nhiệm truy thu khoản nợ thuế 56 tỷ của Uber sau khi công ty này rút khỏi Việt Nam, bán lại thị trường cho Grabtaxi.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chất vấn

Ngày 15/11/2017 Bộ Tài chính đã có công văn số 15467/BTC- TCT trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa. Theo nhận đinh của Bộ Tài chính trong văn bản trả lời chất vấn thì Grabtaxi là doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, đưa vào diện giám sát trọng điểm. Tuy nhiên, theo ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa hiện nay động thái kiểm soát mới dừng lại ở mức độ văn bản chưa thấy có chuyển biến thực tế trong hoạt động của Grabtaxi ở Việt Nam.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp trả lời phỏng vấn

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đại biểu đã có văn bản chính thức chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính. Vậy, đại biểu cho biết cụ thể nội dung chất vấn được tập trung vào vấn đề gì?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14 tôi đã có văn bản chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Cụ thể, nội dung chất vấn về việc làm rõ Công ty Grabtaxi mặc dù được thành lập với số vốn điều lệ là 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 3 năm hoạt động lại lỗ tới 938 tỷ đồng. Vậy nguồn tiền này bắt đầu từ đâu? Công ty thì lỗ liên tục, với số lỗ âm gấp 47 lần số vốn sở hữu. Như vậy, có cần đưa Công ty này vào diện kiểm soát đặc biệt hay không?. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có văn bản trả lời rất dài và cuối cùng kết luận: Công ty Grab thuộc trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao, đưa vào diện giám sát trọng điểm.

Phóng viên: Sau hơn 6 tháng Bộ Tài chính đưa Grabtaxi vào diện giám sát trọng điểm. Trên thực tế liệu đã có sự chuyển biến tích cực gì của hãng vận tải này hay không, thưa đại biểu?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Từ khi Bộ Tài chính đưa Grabtaxi vào diện giám sát trọng điểm tới nay, theo tôi nhìn nhận thì vẫn chưa có 1 sự chuyển biến nào rõ dệt trên thực tế hoạt động. Theo tôi được biết hiện nay thì Uber đã bán cho Grab toàn bộ thị phần và Grab thể hiện sự độc quyền trên đất nước Việt Nam. Cũng theo nguồn tin tôi biết được là trong năm 2017, Grab vẫn tiếp tục lỗ trên dưới gần 800 tỷ thì tôi cho rằng như vậy vấn đề kiểm soát đặc biệt của Bộ Tài chính đến nay là chưa hiệu quả. Thực tế Grab vẫn lỗ. Vậy, tiền đó ở đâu mà lỗ? Thông thường trong hoạt động kinh doanh mà lỗ liên tục như thế chỉ có thể là giải thể, giải tán công ty chứ không thể nào duy trì được hoặc trừ khi nguồn tiền đó là chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam. Như vậy, cũng cần lưu ý đây có phải là hình thức tính toán rửa tiền hoặc là chấp nhận lỗ nhiều năm liền để thể hiện sự độc quyền sau này hay không? Tất cả những vấn đề này cần phải được làm rõ để đảm bảo tính minh bạch, lành mạnh trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp vận tải.

Ứng dụng gọi Grabtaxi trên điện thoại

Phóng viên: Thưa đại biểu, theo số liệu của Tổng cục Thuế thì hiện tại các hợp tác xã vận tải có hợp đồng hợp tác kinh doanh với Grabtacxi, có rất nhiều hợp tác xã là không kê khai thuế hoặc kê khai thuế thấp hơn số liệu thực tế. Theo quan điểm của đại biểu có nên truy thu thuế của các hợp tác xã này hay không?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi nghĩ trường hợp này cần phải xem cơ chế chính sách khi hình thành hợp tác xã, có quy định rất là rõ ràng. Chúng ta cần phải thực hiện theo những quy định đó, ví dụ cơ chế về thuế, cơ chế về thu nhập hoặc cơ chế về chính sách hỗ trợ cho tất cả các hợp tác xã hoạt động. Tuy nhiên, nếu không phải nằm trong quy định để được miễn giảm thuế đối với loại hình hoạt động dịch vụ này mà hợp tác xã hiện nay vẫn còn đang nợ thuế thì tôi nghĩ rằng phải truy thu và giải quyết nghiêm túc để tạo sự công bằng đối với các loại hình vận tải hợp tác xã khác. Tôi nghĩ là vấn đề thất thoát thuế, những khoản thuế thất thu cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm.

Phóng viên: Vừa qua Uber đã rút khỏi thị trường Việt Nam để lại 1 khoản nợ thuế rất lớn. Theo đại biểu, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc truy thu khoản thuế này và chủ thể nào sẽ phải trả khoản thuế này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Theo tôi biết thì hiện nay Uber đã rút khỏi hoạt động vận tải khách ở thị trường Vệt Nam và Grab đã mua lại thị phần, thương hiệu của Uber. Trong khi hiện nay thì Uber vẫn đang nợ thuế Nhà nước là 56 tỷ. Tôi cho rằng khi mà một công ty đã thực hiện nhiệm vụ là thâu tóm hoặc mua lại được một công ty khác thì những hoạt động lỗ, lãi của công ty đó thì công ty mua lại sẽ phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp, công ty mua lại không chịu trách nhiệm thì công ty đó phải có giải trình với cơ quan thuế. Cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm truy thu đối với khoản thuế hiện nay còn tồn đọng. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 vừa qua, tôi cũng đã có 1 văn bản chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc nợ thuế của Ubeer là 56 tỷ thì hiện nay hướng giải quyết như thế nào? cách thức truy thu hoặc không thu ra sao? để trả lời cho công luận được biết. Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa có văn bản trả lời.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Thông tin tham khảo: Grabtaxi được thành lập năm 2014 có mã số doanh nghiệp là 0312650437 do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cấp đăng ký lần đầu ngày 14/02/2014 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng gồm 03 thành viên góp vốn đều là người Việt Nam: ông Nguyễn Tuấn Anh (34%); Ông Nguyễn Phú Sinh (33%); Ông Trần Đức Anh (33%).

Ngày 14/03/2016, Công ty Grabtaxi thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 3 với sự góp mặt của công ty GrabInc với trị giá vốn góp chiếm 50,5%. Nhưng chỉ chưa đầy 1 tháng sau, ngày 08/04/2016 Grabtaxi lại thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 5 để di chuyển 1,5 % vốn góp từ Grab Inc sang cho ông Nguyễn Tuấn Anh.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=36987