Trách nhiệm quản lý

Những sự cố xảy ra trong tuần này làm dư luận dấy lên một câu hỏi nghi ngại: Trách nhiệm của người quản lý ở đâu?

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Trước hết là vụ khiến 13 người thiệt mạng. Có vẻ như chính quyền đã làm hết trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra, cấp phép, yêu cầu chủ cơ sở cam kết,... nhưng hậu quả đau lòng, thảm khốc vẫn xảy ra.

Để xảy ra sự cố kinh hoàng này, rõ ràng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có trách nhiệm, vấn đề là xử lý thế nào, quy trách nhiệm của mỗi cá nhân đến đâu để khỏi xảy ra những thảm cảnh tương tự thì rõ ràng là từ trước đến nay, người quản lý xã hội, quản lý con người đã không làm tới nơi, tới chốn.

Trước khi xảy ra vụ cháy này đã có vài vụ khác tương tự như một sự cảnh báo về cách quản lý lỏng lẻo. Thật sự đã mất bò nhưng vẫn chưa lo làm chuồng.

Ở một diễn biến khác, một Tổng giám đốc của nhà máy 7000 tỷ có nguy cơ “đắp chiếu” đã “không xuất hiện” tại cơ quan, “xin ra nước ngoài chữa bệnh” và giờ không biết ông ta ở đâu.

Lại một câu hỏi được đặt ra: Quản lý con người thế nào ấy nhỉ, đặc biệt là những người “đang có vấn đề” mà cứ để họ “sổng” như chơi. Vậy, ai có trách nhiệm trong việc này?

Gần như trong cùng thời điểm, các đại biểu Quốc hội đang trong kỳ họp truy vấn, đề nghị làm rõ các dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”, có địa chỉ rõ ràng. Cái mà cử tri cần là không phải việc chỉ ra các dự án gây lãng phí ghê gớm đó mà ai là người đã gây ra chuyện đó và họ phải bị xử lý như thế nào.

Nếu không như thế, tiếp tục lại có những dự án khác cũng sẽ “đắp chiếu” và cái người “đắp chiếu” cho nó đã thăng quan, tiến chức tự bao giờ, động vào họ khó lắm!

Vừa rồi, Bộ Tư pháp đã quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của một người nguyên là Điều tra viên đã gây nên án oan cho người tù thế kỷ Huỳnh Văn Nén.

Quyết định này được dư luận đồng tình vì trước hết nó hợp đạo lý, người gây ra sự oan sai khủng khiếp mà giờ lại hành nghề bảo vệ sự công bằng thì rõ ràng không ai có thể chấp nhận, cho dù người đó có đủ tiêu chuẩn đi chăng nữa.

Trường hợp này thuộc lĩnh vực quản lý con người nhưng cũng là giữ gìn sự trong sáng cho cả một hội nghề nghiệp, đồng thời cũng là sự phủ nhận quan niệm “ai làm luật sư cũng được”, chỉ cần có bằng tốt nghiệp luật, chứng chỉ đào tạo luật sư, còn nếu đoàn luật sư của tỉnh này không chấp nhận thì “chạy” sang đoàn khác.

Tình trạng này đã từng xảy ra và nếu nó còn tiếp diễn thì chỉ làm tăng thêm số lượng luật sư mà làm giảm đi chất lượng cũng như thanh danh của một nghề nghiệp với sứ mệnh cao cả là góp phần bảo vệ công lý, phấn đấu mang lại sự công bằng pháp lý cho xã hội.

Lĩnh vực xã hội nào cũng có người phụ trách, có cơ quan điều hành, quản lý nhưng khi xảy ra một sự cố gì đó thì hầu như trách nhiệm không thuộc về ai cả hoặc thuộc về “bộ máy”, “tập thể”, “cơ chế”, thậm chí là tại “nhân dân”.

Phương châm xử lý trách nhiệm của người đứng đầu là rất đúng nhưng xem ra chưa phát huy tác dụng trong cuộc sống được bao nhiêu!

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/trach-nhiem-quan-ly-d28398.html