Trách nhiệm nêu gương

Ngày 25/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 08-QÐi/TW về Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (Quy định).

Sự ra đời của quy định ngay sau khi Hội nghị Trung ương 8 kết thúc được ít ngày cho thấy nỗ lực làm việc khẩn trương của tổ soạn thảo và nó cũng thể hiện sự thống nhất cao việc ban hành Quy định này. Vào thời điểm họp Trung ương 8, Trung ương cho rằng, trong những năm qua, nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn, kịp thời của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương, cho nên ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên, từ đó có những hành động thiết thực trong công tác và cuộc sống, tạo được sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ.

“Việc thực hiện các chủ trương, quy định về nêu gương của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng”, Tổng Bí thư nói tại phiên bế mạc hội nghị.

Theo như nhận định, thời gian qua, nhiều lãnh đạo cấp cao thuộc diện quan tâm của quy định nêu gương đã có ý thức rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo, đức, lối sống, được quần chúng yêu mến, tín nhiệm.

Nhưng, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu bế mạc hội nghị “những kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt được yêu cầu đề ra. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan tỏa lớn. Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống..., gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.”

Chính vì lẽ đó, việc ban hành Quy định lần này đã tập trung vào đối tượng là cán bộ cấp cao. Những điểm nêu trong Quy định khá cụ thể. Bên cạnh những Quy định phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và Điều lệ Đảng, Quy định còn nêu ra những điểm cụ thể khác.

Chẳng hạn như: Độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân. Định kiến với người góp ý, phê bình. Trực tiếp, mượn danh hoặc cung cấp tài liệu cho người khác để nói, viết, đăng tin, bài sai sự thật nhằm đề cao tập thể, cá nhân mình hoặc hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân khác trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác cán bộ; đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người thân.

Tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức; tặng quà, nhận quà vì vụ lợi. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đối với việc đề xuất, cho chủ trương, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, chỉ định thầu các dự án, đề án kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đấu giá đất đai, tài sản nhà nước.

Nói như nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão khi bàn về việc Trung ương ban hành Quy định nêu gương, ông Mão nhận định: Lâu nay, trách nhiệm của cán bộ đảng viên. Ông Vũ Mão: Lâu nay, trách nhiệm của cán bộ đảng viên phải thực hiện tròn nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đang bị buông lỏng; sự rèn luyện của cán bộ, đảng viên ngày càng yếu, lý tưởng phai nhạt, chạy theo lợi ích cá nhân. Sự hư hỏng của cán bộ ngày càng lớn, khiến dư luận bất bình, ảnh hưởng lớn tới uy tín của Đảng. Bên cạnh đó, từ khi ra đời cho đến nay, sự lan tỏa của Quy định này vào cuộc sống còn yếu; chế tài xử lý chưa có.

Như đã nói ở trên, quy định lần này đã cụ thể hóa thêm một bước và nó sẽ là cơ sở để đánh giá cán bộ đảng viên giữ trọng trách cao và nếu vi phạm vào các điều nêu trong Quy định các cơ quan thanh tra, kiểm tra sẽ có cơ sở để xem xét, kỷ luật. Như vậy là tuy chưa có chế tài thật sự cụ thể nhưng Quy định đã hành lang pháp lý cho việc xử lý sai phạm của cán bộ cấp cao.

Trung ương ngay tại Hội nghị 8 đã nhấn mạnh, nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

“Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Và nếu mỗi một trong 200 Ủy viên Trung ương làm tốt trách nhiệm nêu gương thì công cuộc xây dựng Đảng, phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa sẽ thành công. Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh – yêu cầu đó mà đạt được thì Đảng sẽ ngày càng vững mạnh và sẽ giữ vai trò tiên phong trong lãnh đạo đất nước một cách tốt nhất. Nhất là trong điều kiện hiện nay khi tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nó đòi hỏi Đảng phải mạnh và các đảng viên của Đảng phải thực sự là những người lính tiên phong trên các mặt trận, như thế, Đảng mới đi vào lòng nhân dân một cách sâu rễ bền gốc và một khi được nhân dân tin yêu, Đảng sẽ làm tròn vai trò bổn phận của mình trước dân tộc, trước nhân dân.

Hoàng Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/trach-nhiem-neu-guong-tintuc421027