Trách nhiệm nêu gương nhìn từ việc 'đòi nhà'

Việc dây dưa trả nhà công vụ không chỉ làm ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của cá nhân cựu quan chức mà còn ảnh hưởng đến cả uy tín cả bộ máy.

Nhà chung cư thương mại CT1 - CT2, khu đô thị Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội có khoảng 342 căn hộ, trong đó có 76 căn hộ công vụ của Chính phủ hiện do Bộ Xây dựng đang quản lý

Nhà chung cư thương mại CT1 - CT2, khu đô thị Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội có khoảng 342 căn hộ, trong đó có 76 căn hộ công vụ của Chính phủ hiện do Bộ Xây dựng đang quản lý

Chiều 21/4, Văn phòng Bộ Xây dựng cho hay Bộ này đã gửi thông báo tới 12 cựu quan chức, đề nghị trả lại nhà công vụ của Chính phủ, tại khu chung cư CT1 - CT2 Khu đô thị Yên Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội), sau vài ba lần Bộ gửi thông báo tương tự nhưng chưa “đòi” được nhà.

Lý do đề nghị là những người này đã về hưu và không còn được sử dụng nhà công vụ theo quy định.

12 người này từng đảm nhận chức danh thứ trưởng hoặc tương đương, trước khi về hưu công tác tại Tổng LĐLĐ Việt Nam; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Ủy ban Dân tộc của Quốc hội; Bộ VH-TT&DL; Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp)...

Ngay sau khi thông tin “đòi nhà” của Bộ Xây dựng được công bố, khi trả lời báo chí, nhiều người trong số 12 quan chức nói trên đưa ra một số lý do khác nhau như chưa kịp xây nhà mới hoặc cần thêm thời gian chuẩn bị nơi ở mới...

Tuy nhiên, dù là lý do gì đi nữa thì việc dây dưa nói trên đã không chấp hành đúng chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước về sử dụng tài sản công.

Những cựu quan chức nói trên có thể cũng đã có những đóng góp, cống hiến nhất định trong thời gian còn công tác. Và với cương vị của từng người, họ đã được Nhà nước đãi ngộ với những khoản tiền lương, phụ cấp, chế độ hơn rất nhiều người khác trong xã hội. Ngay việc được bố trí nhà công vụ cũng đã nói lên điều đó.

Nhà công vụ là nhà được phân cho người đang làm việc công (thường là người có chức quyền hoặc cán bộ, công nhân viên chức hoặc người có nhiệm vụ đặc thù), dùng để ở, tiếp khách hoặc các chức năng khác nhằm mục đích phục vụ việc công tương xứng với nhiệm vụ được giao.

Vậy thì khi không còn công tác, những người được hưởng chế độ này đương nhiên phải trả lại để Nhà nước còn bố trí cho những người khác. Không thể viện dẫn bất cứ lý do gì để dây dưa, chần chừ trong việc trả nhà khi đã nghỉ công tác.

Không phải đến bây giờ mà trước đây đã từng có những cán bộ cỡ Bộ trưởng cố xin gia hạn ở nhà công vụ nhưng không được, một vị trưởng ngành cũng đã phải trả lại nhà, đất được cấp không đúng chế độ, trong khi gia đình đã có biệt phủ xa hoa.

Thật ra, tôi không nghĩ rằng những cán bộ có chức vụ cao lại khó khăn về chỗ ở đến mức không thể trả nhà khi đã về hưu. 12 cá nhân mà Bộ Xây dựng nêu đích danh trong đợt “đòi nhà” lần này đều là những người giữ chức vụ cao. Đáng lẽ ra họ phải thực hiện nghiêm Quy định 08 của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, song họ đã không làm.

Thiết nghĩ, việc dây dưa trả nhà công vụ không chỉ làm ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của riêng cá nhân cựu quan chức, mà nó còn ảnh hưởng đến cả uy tín của Đảng, của cả bộ máy. Bởi lẽ, sẽ thật không hay khi nhân dân nhìn vào những sự việc mang tính cá biệt như vậy để quy kết điều gì đó.

Vì thế, việc cần làm ngay lúc này là không nể nang, thoái thác, thực hiện nghiêm túc các quy định để lấy lại nhà công vụ cho Nhà nước.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Phó đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/trach-nhiem-neu-guong-nhin-tu-viec-doi-nha-d462303.html