Trách nhiệm giải trình trong phòng, chống tham nhũng: Không ít cán bộ, công chức còn… quanh co

Trách nhiệm giải trình- một trong những giải pháp góp phần đẩy lùi nguy cơ tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các quy định đặt ra.

Áp dụng quy định “mật” không đúng

Trung tâm Nghiên cứu khoa học lập pháp thuộc Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết, để việc giải trình trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) đạt hiệu quả cao thì việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là điều vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, việc minh bạch tài sản, thu nhập hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, hình thức và thiếu hiệu quả trong công tác xác minh và xử lý những vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.

Một báo cáo của Chính phủ về tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN cho hay, việc xác minh tài sản, thu nhập trong thời gian qua chỉ được thực hiện với hơn 4.800 trường hợp. Trong số đó phát hiện và xử lý kỷ luật 17 người kê khai không trung thực.

Còn trong năm 2017, trong số hơn 1 triệu bản kê khai tài sản hàng năm thì chỉ xác minh được 78 trường hợp, phát hiện 5 người vi phạm và xử lý 4 người.

Hội nghị toàn quốc về PCTN diễn ra tại Hà Nội ngày 25/6 thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong quá trình PCTN của Việt Nam. Ảnh minh họa:Chinhphu.vn

Nguyên nhân của tình trạng này, ngoài một số đến từ quy định pháp luật thì theo Trung tâm Nghiên cứu khoa học lập pháp, một số người dân chưa ý thức được đầy đủ về trách nhiệm và quyền yêu cầu giải trình của mình. Do đó, chưa có tính chủ động trong việc nắm bắt thông tin thông qua cơ chế giải trình.

Trong khi đó, ý thức của một bộ phận cán bộ, công chức chưa thực hiện nghiêm chỉnh quy định về giải trình trong hoạt động công vụ, nhiệm vụ được giao.

Cá biệt, có nơi còn áp dụng quy định “mật” không đúng để hạn chế việc tiếp cận thông tin về các vấn đề kinh tế, xã hội.

Không ít cán bộ, công chức chưa chủ động thực hiện việc giải trình, có trường hợp giải trình quanh co, kéo dài thời gian và không xác định được trách nhiệm theo quy định…

Sử dụng ngân sách nhà nước là phải giải trình

Giải pháp cho vấn đề này, theo Trung tâm Nghiên cứu khoa học lập pháp, cần làm rõ hơn khái niệm về giải trình. Để đảm bảo thực hiện tốt việc giải trình trong PCTN, cần bổ sung quy định “trách nhiệm giải trình là nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải trình, làm rõ thông tin về thực hiện nhiệm vụ, công vụ thuộc trách nhiệm của mình một cách chủ động hoặc khi có yêu cầu”.

Ngoài ra, cần mở rộng thêm đối tượng có trách nhiệm giải trình. Trung tâm đề xuất, tất cả các cơ quan nhà nước sử dụng ngân sách nhà nước đều phải chịu trách nhiệm giải trình, góp phần làm giảm nguy cơ tham nhũng.

Một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động giải trình trong PCTN không đạt được hiệu quả là do thiếu các quy định xử lý vi phạm trong việc giải trình, đặc biệt là liên quan tới việc giải trình tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức một cách hợp lý.

Do vậy, Trung tâm đề xuất, pháp luật về PCTN cần bổ sung quy định cụ thể về việc xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm về trách nhiệm giải trình.

Đồng thời có quy định cụ thể về việc tiếp cận thông tin của công dân trong PCTN để người dân thực hiện quyền giám sát việc thực hiện trách nhiệm giải trình…/.

Thái Linh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/trach-nhiem-giai-trinh-trong-phong-chong-tham-nhung-khong-it-can-bo-cong-chuc-con-quanh-co-346233.html