Trách nhiệm 'đỡ đầu'

Mặc dù tỉnh Hà Giang đã dành nhiều nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tuy nhiên, công tác này còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thực hiện tiêu chí giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 12%. Để giải quyết 'bài toán' này, nhiều huyện đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ 'đỡ đầu' hộ nghèo vươn lên thoát nghèo tại các xã đang phấn đấu về đích NTM.

Cán bộ Huyện đoàn Bắc Mê vận chuyển vật liệu xây dựng giúp các hộ nghèo ở xã Yên Phong xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ được chọn là xã điểm để ưu tiên đầu tư xây dựng NTM. Mục tiêu đến cuối năm 2018, xã hoàn thành 19 tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn NTM. Đến cuối năm 2017, xã đã đạt hầu hết các tiêu chí, nhưng khó khăn nhất là tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 30%, trong khi để đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ nghèo phải giảm còn 12%. Phó Chủ tịch UBND xã Quản Bạ Thào Thái Tâm cho biết: Từ năm 2013, khi được chọn là xã điểm xây dựng NTM, chính quyền địa phương và người dân đã có nhiều nỗ lực. Đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn 12%. Tuy nhiên, từ năm 2016, khi thực hiện cách đánh giá hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo tăng lên.

Trước thực tế đó, đầu năm nay, Huyện ủy Quản Bạ đã quyết định phân công tất cả các cơ quan, đơn vị, các đồng chí lãnh đạo huyện trực tiếp “đỡ đầu” hộ nghèo ở các xã phấn đấu về đích NTM trong năm 2018. Sau khi được phân công đỡ đầu hộ nghèo, các đơn vị, cá nhân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực hỗ trợ, giúp đỡ, động viên những gia đình khó khăn sớm thoát nghèo bền vững bằng nhiều hình thức.

Văn phòng Huyện ủy Quản Bạ được phân công giúp đỡ gia đình chị Thào Thị Hà, thôn Lùng Khúy, xã Quản Bạ. Ngay khi được phân công, lãnh đạo văn phòng đã trực tiếp đến gia đình chị Hà để kiểm tra, rà soát theo phiếu đánh giá chuẩn nghèo đa chiều. Phó Chánh văn phòng Huyện ủy Quản Bạ Nguyễn Duy Huân cho biết: “Sau khi đánh giá, chúng tôi xác định gia đình chị Hà thuộc hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, nguyên nhân là do thiếu tiếp cận với các dịch vụ như: nhà cửa tạm bợ, chưa có các công trình vệ sinh, thiếu các thiết bị nghe nhìn”. Sau khi đánh giá, cán bộ văn phòng vận động gia đình chị Hà sửa chữa nhà thêm kiên cố, xây các công trình vệ sinh, tu sửa sân vườn. Mỗi cán bộ văn phòng cũng đã tự nguyện ủng hộ ít nhất một ngày lương để mua cát, xi-măng, gạch bi hỗ trợ gia đình chị Hà.

Cuối tháng 8 vừa qua, ngôi nhà xây ba gian kiên cố với đầy đủ công trình vệ sinh, sân vườn hoàn thành trong niềm vui lớn của gia đình. Chị Thào Thị Hà vui mừng kể: “Trước kia, vợ chồng tôi làm nhà tạm để ở, chưa tính đến chuyện sửa nhà vì bận làm ăn. Nghe cán bộ huyện tuyên truyền sửa nhà kiên cố để thoát hộ nghèo, cùng xã xây dựng NTM, được hỗ trợ vật liệu xây dựng nên gia đình tôi quyết định sửa ngôi nhà này. Cán bộ còn thường xuyên xuống hướng dẫn gia đình tôi sản xuất, vận động người đến tuổi trưởng thành đi lao động tăng thu nhập. Mấy tháng nay, chồng tôi được giới thiệu đi làm tại công trường thủy điện trong tỉnh, thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng, cũng đủ lo chi phí cho gia đình và mua sắm các vật dụng cần thiết”.

Phó Chủ tịch UBND xã Quản Bạ Thào Thái Tâm cho biết: “Vừa rồi, rà soát theo phiếu đánh giá chuẩn nghèo đa chiều, gia đình chị Hà và 140 hộ nghèo ở xã đã thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo hiện đã giảm xuống dưới 12%. Để đạt được kết quả đó, có vai trò quan trọng của các cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách hộ nghèo”.

Tại huyện Bắc Mê, từ năm 2016 đến nay, huyện đã phân công các cơ quan, doanh nghiệp, các đồng chí lãnh đạo huyện giúp đỡ 350 hộ nghèo ở ba xã Minh Ngọc, Yên Định, Yên Phong. Đây là những xã được chọn về đích NTM trong hai năm 2017 và 2018. Khi được giao nhiệm vụ, các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân các đồng chí lãnh đạo huyện đã chủ động phối hợp chính quyền địa phương, từng hộ gia đình để đánh giá, rà soát, lên kế hoạch trợ giúp. Cách hỗ trợ hộ nghèo đa dạng như: huy động nguồn lực của cán bộ, các nhà hảo tâm để giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi, xóa nhà tạm; giúp đỡ các gia đình tìm việc làm, nâng cao thu nhập; bồi dưỡng kiến thức áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; hướng dẫn thủ tục vay vốn; hỗ trợ ngày công lao động giúp đỡ hộ nghèo chỉnh trang khuôn viên hộ gia đình, làm hàng rào cây xanh, di dời chuồng trại ra xa nhà.

Theo chuẩn nghèo đa chiều, hộ anh Nông Văn Nâng, ở thôn Bản Đuốc, xã Yên Phong cần thực hiện những nội dung để thoát nghèo đó là: làm nhà vệ sinh, có ti-vi, có tủ lạnh, xe máy. Được phân công phụ trách, giúp đỡ gia đình anh Nâng, đồng chí Bùi Văn Tuân, Bí thư Huyện ủy Bắc Mê đến tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của gia đình, tìm giải pháp tác động, giúp đỡ. Bên cạnh việc hỗ trợ gia đình anh Nâng một chiếc ti-vi để nắm bắt thông tin, đồng chí đã giới thiệu hai thành viên đến tuổi lao động trong gia đình đi làm việc tại một doanh nghiệp trong tỉnh với mức thu nhập ổn định. Gia đình anh Nâng giờ đã bảo đảm các tiêu chí để thoát khỏi hộ nghèo.

Nhờ có sự hỗ trợ của các cơ quan, cá nhân, xã Minh Ngọc đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 12% và được công nhận về đích NTM năm 2017; hai xã Yên Định, Yên Phong cũng cơ bản đáp ứng được tiêu chí giảm tỷ lệ hộ nghèo để sớm được công nhận về đích NTM trong năm nay. Bí thư Huyện ủy Bắc Mê Bùi Văn Tuân cho biết: “Các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân được phân công đỡ đầu hộ nghèo ngoài trách nhiệm giúp các gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, việc làm này còn giúp cán bộ gắn bó với cơ sở, gần dân hơn, thắt chặt tình đoàn kết”.

Ở tỉnh Hà Giang, phong trào phân công cơ quan, đơn vị, cán bộ phụ trách, giúp đỡ hộ nghèo còn diễn ra ở nhiều huyện như Bắc Quang, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc… Từ phong trào này, hộ nghèo ở các huyện vùng cao Hà Giang như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, vật chất để phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: KHÁNH TOÀN và NGUYỄN QUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37945002-trach-nhiem-%E2%80%9Cdo-dau%E2%80%9D.html