Trách nhiệm của người lính Biên phòng bám chốt chống dịch Covid-19

Ở thời điểm hiện tại, BĐBP Quảng Ngãi đang duy trì 16 điểm chốt ở tuyến biên giới biển với hơn 60 cán bộ, chiến sĩ BĐBP làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Tại những điểm chốt này, nhiều chiến sĩ phải tạm gác lại những việc hệ trọng của gia đình để cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid -19 đầy gian nan. Điển hình là Thượng úy Nguyễn Công Thống và Trung úy Nông Thế Anh, công tác tại Đồn Biên phòng Bình Thạnh, BĐBP Quảng Ngãi.

Thượng úy Nguyễn Công Thống (bên trái) và Trung úy Nông Thế Anh thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch Covid-19. Ảnh: Văn Tánh

Thượng úy Nguyễn Công Thống (bên trái) và Trung úy Nông Thế Anh thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch Covid-19. Ảnh: Văn Tánh

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Căn nhà bạt nơi trú ngụ, kiểm soát dịch của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Thạnh được dựng lên lần thứ 2. Và cũng là lần thứ 2 Thượng úy Nguyễn Công Thống, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Bình Thạnh, kiêm Chốt trưởng chống dịch Covid-19 gọi điện về cho vợ sắp cưới là chị Lê Thị Yến Mi báo tin hoãn ngày cưới. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi mắt cô gái trẻ, bởi cách đây 4 tháng chị cũng đã nhận tin hoãn ngày tổ chức hôn lễ từ anh. Dù rất thương chị Yến Mi, nhưng anh Thống phải tạm gác việc riêng để hoàn thành nhiệm vụ chống “giặc” dịch. Thượng úy Thống bộc bạch: “Cả nước ta đang gồng mình chống dịch Covid-19, đồng đội tôi người có mẹ qua đời, người thì vợ sinh con cũng đều ở lại đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Ngày nào dịch Covid-19 còn thì chúng tôi vẫn phải gác lại chuyện riêng tư để làm tròn trách nhiệm của người lính”.

Chàng sĩ quan trẻ Nguyễn Công Thống thổ lộ, sau 3 năm yêu nhau, anh cùng chị Lê Thị Yến Mi đính hôn vào giữa năm 2019 và hứa hẹn sẽ tổ chức lễ cưới vào tháng 4-2020. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khởi phát nên lễ cưới không diễn ra như dự định. Thời gian này, anh Thống cùng đồng đội đang thực hiện nhiệm vụ trên chốt, kiểm soát chặt chẽ tàu cá có hành trình từ các tỉnh về địa phương, tổ chức đo thân nhiệt, kê khai y tế và truy xuất hành trình khi phát hiện yếu tố dịch tễ của dịch Covid -19.

2 tháng sau khi dịch Covid-19 tạm lắng, cuộc sống người dân quay trở lại bình thường, anh Thống cùng chị Yến Mi quyết định ngày về ở chung nhà là trung tuần tháng 8-2020. Gần tới ngày cưới của anh chị, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp hơn. “Với trách nhiệm của người lính trên tuyến đầu, tôi phải bảo vệ sức khỏe nhân dân, chứ không vì hạnh phúc riêng mình mà ảnh hưởng đến nhiệm vụ của đơn vị. Tôi gọi điện báo tin cho vợ sắp cưới và xin phép gia đình hoãn lễ cưới lần nữa. Vợ sắp cưới của tôi là giáo viên, cô ấy cảm thông và sẵn sàng chờ đợi. Cô ấy bảo, đến khi nào hết dịch sẽ cùng tôi tính chuyện hạnh phúc. Tôi nghĩ, đây cũng là thử thách. Vượt qua giai đoạn này, vợ chồng tôi sẽ yêu thương nhau hơn”- Trạm trưởng Nguyễn Công Thống chia sẻ.

Cũng tương tự như trường hợp của Thượng úy Nguyễn Công Thống là Trung úy Nông Thế Anh, nhân viên kiểm soát Đồn Biên phòng Bình Thạnh. Cầm tấm thiệp chưa kịp gửi, Trung úy Nông Thế Anh không khỏi chạnh lòng bởi dịch Covid-19 không bùng phát thì hôn lễ của anh và chị Huỳnh Thị Tường Vi, ở phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi đã được tổ chức vào ngày 1-8-2020.

Trung úy Nông Thế Anh sinh ra và lớn lên ở xã Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Bố mất sớm, anh ở với mẹ cùng chị gái. Tốt nghiệp Trung cấp Biên phòng, chàng trai xứ Lạng vào Quảng Ngãi nhận công tác. Xa quê đến hơn 1.000 cây số, anh mong sớm lập gia đình để mẹ có nơi nương tựa tuổi già. Ngày cưới đã định, từ biên giới xa xôi, gia đình anh chuẩn bị lên đường vào miền Trung tổ chức hôn lễ cho anh. Song, dịch Covid-19 bùng phát, anh phải hoãn ngày cưới để tập trung cho nhiệm vụ chống dịch của đơn vị. Trung úy Nông Thế Anh cho biết: “Tôi công tác xa quê, mỗi năm về thăm gia đình được một lần. Mẹ tôi đã già, chị gái đi lấy chồng nên tôi và người yêu mong sớm về cùng một nhà để tiện bề chăm sóc mẹ. Hai bên gia đình định được ngày cưới, nhưng dịch bệnh quá phức tạp, tôi đã gọi điện về nhà và báo cáo với gia đình xin hoãn cưới. Thời gian này, tôi phải cùng anh em ở trạm tập trung vào nhiệm vụ đẩy lùi dịch Covid -19”.

Tạm gác chuyện trăm năm, Thượng úy Nguyễn Công Thống và Trung úy Nông Thế Anh sát cánh cùng đồng đội ngày đêm chia ca bám chốt ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn biên giới biển. Hàng nghìn lượt ngư dân ra vào cửa biển Sa Cần khai thác, mua bán hải sản hằng ngày đều được cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại đây đo thân nhiệt, phổ biến kiến thức phòng ngừa dịch bệnh và cung cấp miễn phí dụng cụ y tế. Nhiệm vụ phòng, chống dịch của các anh càng nặng nề hơn, khi trên cùng địa bàn công tác có người dương tính với SARS-Cov-2, một khu dân cư bị phong tỏa. Chính vì thế, công tác kiểm soát ngư dân phải thắt chặt hơn nhằm tránh trường hợp trốn cách ly lên tàu đi biển, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.

Trung tá Huỳnh Đức Tin, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Thạnh cho biết: “Với trách nhiệm của người lính Biên phòng bám chốt, Thượng úy Nguyễn Công Thống và Trung úy Nông Thế Anh đã khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống dịch Covid-19. 2 đồng chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Khi nào hết dịch, sinh hoạt của nhân dân trở lại bình thường, chỉ huy đồn sẽ đề xuất với cấp trên giải quyết cho 2 đồng chí nghỉ phép để tổ chức chuyện trăm năm”.

“Mặt trận” chống dịch Covid-19 còn nhiều khó khăn, chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Những hy sinh thầm lặng của người lính Biên phòng đã góp phần bảo vệ sức khỏe, bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân, giúp người dân ở khu vực biên giới biển vững tâm chiến thắng dịch bệnh.

Văn Tánh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/trach-nhiem-cua-nguoi-linh-bien-phong-bam-chot-chong-dich-covid-19-post432913.html