Trách nhiệm của doanh nghiệp lữ hành trong phát triển bền vững du lịch

Ngày 7/6, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam tổ chức Tọa đàm về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch với đại diện các doanh nghiệp lữ hành chủ chốt của Việt Nam.

Tọa đàm về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Tọa đàm về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, ngày 21/5, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

Theo đó, các hành vi vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng (gồm giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch, quyết định công nhận khu du lịch, biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch); đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 tháng đến 6 tháng...

Theo ông Vũ Thế Bình, để du lịch phát triển thành nền kinh tế mũi nhọn của đất nước, bộ phận lữ hành là bộ phận tiên phong bởi sứ mệnh khai thác thị trường, làm nên sự hấp dẫn, thu hút được khách du lịch cho Việt Nam, cũng là những người chăm sóc cho khách du lịch suốt cuộc hành trình. Ở bất cứ quốc gia nào, lữ hành cũng là lực lượng tiên phong, quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển của du lịch. Lữ hành lại liên quan đến rất nhiều lĩnh vực xã hội, liên quan đến nhiều quy định của pháp luật. Chính vì vậy, những người làm lữ hành phải nắm được pháp luật, hiểu được văn hóa, phong tục tập quán và rất nhiều kiến thức khác.

Tại Tọa đàm, các doanh nghiệp lữ hành đã cùng nhau thảo luận, nghiên cứu về các quy định, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Các doanh nghiệp cũng có những kiến nghị về điều khoản được cho rằng chưa hợp lý để Hiệp hội Lữ hành, Hiệp hội Du lịch đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước có sự thay đổi về chính sách.

Các doanh nghiệp lữ hành cũng đều có chung nhận định rằng cán bộ, nhân viên làm việc trong lĩnh vực du lịch cần nghiên cứu sâu về các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch để tránh xảy ra những thiếu sót trong chuyên môn, nghiệp vụ, vì quyền lợi của chính bản thân mình, vì quyền lợi của khách hàng và để ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Nhật Nam

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/du-lich/trach-nhiem-cua-doanh-nghiep-lu-hanh-trong-phat-trien-ben-vung-du-lich/367826.vgp