Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên tham gia lễ hội

Từ ngày 15-10, Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 29-8-2018, Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội sẽ chính thức có hiệu lực. Nội dung Nghị định có nhiều điểm quan trọng như: chính sách của Nhà nước về lễ hội; nguyên tắc tổ chức lễ hội; quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội và trách nhiệm của ban tổ chức lễ hội…

Ở nội dung quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội, ngoài việc phải chấp hành các quy định chung của pháp luật, nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa..., còn có yêu cầu riêng với đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động: không đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ). Các cá nhân có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với hơn 8.000 lễ hội trên cả nước mỗi năm thì việc Chính phủ ban hành quy định này thể hiện nỗ lực và quyết tâm giải quyết một hiện tượng xã hội phức tạp hiện nay. Đó là, ngoài những lợi ích mang lại như sự thụ hưởng các giá trị văn hóa, tinh thần của người dân; phát triển kinh tế, du lịch; giao lưu, học hỏi, giải trí… thì trong quá trình diễn ra lễ hội đã nảy sinh nhiều sự việc, hiện tượng không nên có khiến dư luận bất bình, trong đó có hành vi của người tham gia lễ hội. Tham gia những “trò chơi dân gian” bạo lực, cướp lộc, bẻ hoa, có hành vi tín ngưỡng mê muội thái quá, gây mất trật tự, vệ sinh môi trường… là chuyện không phải hiếm của người đi hội. Điều đáng nói là không ít người bỏ cả việc làm ăn để đi lễ, đi hội. Trong những biển người hằng năm đổ về các lễ hội như chùa Hương, chùa Bái Đính, Yên Tử, đền Gióng - Sóc Sơn, Lim, đền Trần Nam Định… vào ngày làm việc, có không ít cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động. Hiện tượng các khu công nghiệp, nhà máy dịp đầu năm thưa vắng công nhân vì họ còn mải đi lễ, hoặc một số cơ quan, công sở đóng cửa chỉ vì công chức bận đi hội, từng được báo chí chỉ ra. Ngoài vi phạm kỷ cương, kỷ luật lao động thì việc “chiếm dụng” thời gian của Nhà nước, doanh nghiệp, đã gây lãng phí rất lớn. Ban hành quy định với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… tham gia lễ hội dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật là sự nhắc nhở, cảnh báo nhưng đồng thời là căn cứ pháp lý để xử lý những người cố tình vi phạm.

Tuy nhiên, trong không gian lễ hội với số lượng người đông, việc xác định hành vi vi phạm không đơn giản. Những hành vi dễ “soi” trước kia như đi xe biển xanh, tập trung thành đoàn tiền hô hậu ủng nay được núp dưới việc dùng xe cá nhân, chia nhỏ thành nhiều nhóm; thậm chí “biến tướng” thành các đoàn công tác, nhưng chỉ làm việc qua loa, đi lễ hội là việc chính. Về mặt tâm lý, lâu nay người Việt vẫn coi đi lễ hội chiêm bái là việc tâm linh, mang lại những điều tốt lành, giải “hạn” cho nên có xu hướng tránh can thiệp, đồng ý “ngầm” hoặc xuê xoa cho nhau, có khi còn “đồng lõa”, bao che hành vi sai phạm.

Vì vậy, để những quy định nêu trên đi vào cuộc sống, tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, mỗi cơ quan, đơn vị cần tổ chức tuyên truyền phổ biến đến cán bộ, công chức, người lao động; cần có những công cụ để lượng hóa được hành vi này; cần xác định việc chấp hành quy định là thể hiện đạo đức nghề nghiệp; phải có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan và quần chúng; và cuối cùng, phải có biện pháp xử lý theo nội quy cơ quan bên cạnh những chế tài chung. Bên cạnh đó, vì hành vi tham gia lễ hội rất phong phú, đa dạng, ở từng thời điểm cụ thể không dễ định tính và định lượng cho nên cần đề cao tinh thần tự giác: tự giác trong nhận thức và tự giác trong hành động. Dư luận từng chỉ ra hiện tượng một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị quá coi trọng lễ bái, nào ngày rằm mồng một, nào động thổ, khai trương, xây nhà thờ tổ, lăng mộ hoành tráng…, khiến cán bộ cấp dưới phải miễn cưỡng làm theo hoặc tự nguyện “học đòi”. Vì vậy, trong quá trình thực hiện quy định, cần đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành và triển khai thực hiện.

VIỆT KHÔI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/37840302-trach-nhiem-cua-can-bo-dang-vien-tham-gia-le-hoi.html