Trách nhiệm của Bộ TN&MT trong quản lý đô thị

Tôi đọc báo thấy các cụm từ như: Đô thị loại I, đô thị loại Ii, vậy xin hỏi, nước ta có mấy loại đô thị, các đô thị này được phân loại dựa trên tiêu chí nào? Bộ Tài nguyên và Môi trường có vai trò gì trong việc quản lý đầu tư phát triển đô thị?

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Việc phân loại đô thị và các tiêu chí phân loại đô thị được quy định tại Nghị định 42/2009/NĐ-CP về việc phân loại đô thị. Theo đó:

Đô thị được phân thành 6 loại như sau: loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV và loại V được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định công nhận.

- Đô thị loại đặc biệt là thành phố trực thuộc Trung ương có các quận nội thành, huyện ngoại thành và các đô thị trực thuộc.

- Đô thị loại I, loại II là thành phố trực thuộc Trung ương có các quận nội thành, huyện ngoại thành và có thể có các đô thị trực thuộc; đô thị loại I, loại II là thành phố thuộc tỉnh có các phường nội thành và các xã ngoại thành.

- Đô thị loại III là thành phố hoặc thị xã thuộc tỉnh có các phường nội thành, nội thị và các xã ngoại thành, ngoại thị.

- Đô thị loại IV là thị xã thuộc tỉnh có các phường nội thị và các xã ngoại thị.

- Đô thị loại IV, đô thị loại V là thị trấn thuộc huyện có các khu phố xây dựng tập trung và có thể có các điểm dân cư nông thôn.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Các tiêu chuẩn cơ bản để phân loại đô thị

Các tiêu chuẩn cơ bản để phân loại đô thị được xem xét, đánh giá trên cơ sở hiện trạng phát triển đô thị tại năm trước liền kề năm lập đề án phân loại đô thị hoặc tại thời điểm lập đề án phân loại đô thị, bao gồm:

- Chức năng đô thị: Là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành, cấp quốc gia, cấp vùng liên tỉnh, cấp tỉnh, cấp huyện hoặc là một trung tâm của vùng trong tỉnh; có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc một vùng lãnh thổ nhất định.

- Quy mô dân số toàn đô thị tối thiểu phải đạt 4 nghìn người trở lên.

- Mật độ dân số phù hợp với quy mô, tính chất và đặc điểm của từng loại đô thị và được tính trong phạm vi nội thành, nội thị và khu phố xây dựng tập trung của thị trấn.

- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp được tính trong phạm vi ranh giới nội thành, nội thị, khu vực xây dựng tập trung phải đạt tối thiểu 65% so với tổng số lao động.

- Hệ thống công trình hạ tầng đô thị gồm hệ thống công trình hạ tầng xã hội và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật: Đối với khu vực nội thành, nội thị phải được đầu tư xây dựng đồng bộ và có mức độ hoàn chỉnh theo từng loại đô thị; Đối với khu vực ngoại thành, ngoại thị phải được đầu tư xây dựng đồng bộ mạng hạ tầng và bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển đô thị bền vững.

- Kiến trúc, cảnh quan đô thị: việc xây dựng phát triển đô thị phải theo quy chế quản lý kiến trúc đô thị được duyệt, có các khu đô thị kiểu mẫu, các tuyến phố văn minh đô thị, có các không gian công cộng phục vụ đời sống tinh thần của dân cư đô thị; có tổ hợp kiến trúc hoặc công trình kiến trúc tiêu biểu và phù hợp với môi trường, cảnh quan thiên nhiên.

Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc quản lý đầu tư phát triển đô thị

Theo Điều 44 Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm như sau: Kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương về việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chuẩn bị quỹ đất để xây dựng các dự án đầu tư phát triển đô thị; Hướng dẫn cụ thể về sử dụng quỹ đất phát triển đô thị, suất tái định cư tối thiểu và hướng dẫn thực hiện các ưu đãi về đất đai đối với các dự án đầu tư phát triển đô thị.

Báo TN&MT

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tu-van-phap-luat/trach-nhiem-cua-bo-tn-mt-trong-quan-ly-do-thi-1259425.html