TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN TRONG MỖI LÁ PHIẾU

Chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23-5).

Được tổ chức sau thành công Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đây là sự kiện chính trị trọng đại, là ngày hội non sông, ngày cử tri cả nước thực hiện quyền và trách nhiệm công dân thông qua lá phiếu cử tri.

Thời gian qua, Hội đồng Bầu cử quốc gia và các cấp, các ngành, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử; tuyên truyền hoạt động tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên cũng như ý nghĩa, giá trị to lớn của cuộc bầu cử. Thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia, danh sách chính thức cũng như thông tin cá nhân các ứng cử viên ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 ở các đơn vị bầu cử được niêm yết công khai tại tất cả các cơ quan, đơn vị và khu dân cư. Đặc biệt, Báo Quân đội nhân dân là một trong những cơ quan báo chí đầu tiên phát hành phụ trương, giới thiệu đầy đủ danh sách chính thức các ứng cử viên ĐBQH khóa XV theo đơn vị bầu cử trong cả nước.

Các cán bộ, chiến sĩ thuộc Tàu Cảnh sát biển 3001 và Tàu 792, Vùng 5 Hải quân bỏ phiếu bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sớm hơn 4 ngày so với Ngày bầu cử toàn quốc, cụ thể là ngày 19-5-2021.

Các cán bộ, chiến sĩ thuộc Tàu Cảnh sát biển 3001 và Tàu 792, Vùng 5 Hải quân bỏ phiếu bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sớm hơn 4 ngày so với Ngày bầu cử toàn quốc, cụ thể là ngày 19-5-2021.

Mặc dù công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử được đẩy mạnh từ nhiều tháng qua nhưng đâu đó trong đời sống xã hội, một bộ phận người dân vẫn chưa quan tâm đúng mức đến sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Danh sách và thông tin cá nhân của các ứng cử viên được niêm yết từ lâu, nhưng nhiều người còn chưa đọc, chưa tìm hiểu để làm cơ sở so sánh, đối chiếu giữa các ứng cử viên. Vẫn còn một số người có tư tưởng đi bầu cử theo kiểu "cho xong" mà chưa coi trọng quyền dân chủ, quyền tự quyết trong mỗi lá phiếu cử tri. Hệ lụy là rất có thể sẽ không chọn đúng những người thật sự tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn làm đại diện cho mình trong Quốc hội và HĐND.

Bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND là biểu hiện sinh động về dân chủ đã và đang lan tỏa trong đời sống chính trị-xã hội, là dịp để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, trực tiếp lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Lá phiếu cử tri là biểu hiện sinh động cho quyền dân chủ của mỗi công dân. Để có được quyền dân chủ thiêng liêng ấy, đất nước ta, dân tộc ta, nhân dân ta đã phải đánh đổi biết bao xương máu, hy sinh của nhiều thế hệ. Bởi lẽ đó, mỗi lá phiếu cử tri đều mang giá trị to lớn, góp phần xây đắp vững chắc nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, kiến tạo nên nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp là cuộc đại sàng lọc, tuyển chọn mà nhân dân là giám khảo, lựa chọn những đại biểu dân cử thật sự chất lượng, đủ tâm, đủ tầm, đại diện cho nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp. Trong đó, chất lượng đại biểu sẽ quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp. Để mỗi lá phiếu thực sự nói lên tiếng nói của cử tri, trong suốt quá trình bầu cử, mỗi người cần nêu cao trách nhiệm công dân, trực tiếp tham gia bầu cử. Để phát huy tốt quyền dân chủ của mình, cử tri cần tìm hiểu kỹ lưỡng, theo dõi quá trình hoạt động, quá trình công tác của các ứng cử viên; xem xét trình độ, tư cách các ứng cử viên để lựa chọn chính xác những người thực sự tiêu biểu về đức và tài.

MINH MẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/trach-nhiem-cong-dan-trong-moi-la-phieu-660051