Trách nhiệm chính về bảo đảm trật tự an toàn giao thông là Bộ Công an

Giải đáp băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ chiều nay (16/11), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: Bộ Công an chịu trách nhiệm chính và phối hợp với các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp để tổ chức, thực hiện trật tự an toàn giao thông. Đồng thời lực lượng công an sẽ không tăng biên chế, chi phí và các thủ tục hành chính.

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. Ảnh quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. Ảnh quochoi.vn

Giải trình và làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu về Dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đặc biệt là việc có nên tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Xuất phát từ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Bộ Công an với trách nhiệm quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội, Chính phủ cũng xác định đây là trách nhiệm của ngành Công an.

Với một số câu hỏi, băn khoăn của đại biểu về việc xác định rõ trách nhiệm của ngành nào trong việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, ông Tô Lâm cho biết: Bộ Công an chịu trách nhiệm chính và phối hợp với các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp để tổ chức và thực hiện.

Bên cạnh đó, với những lo ngại về việc gia tăng biên chế, nhân lực và các thủ tục hành chính khi tách luật, theo trưởng ngành Công an, trong báo cáo đánh giá tác động, "chúng tôi đã nêu rõ, lực lượng công an sẽ không tăng biên chế, cùng với đó, chi phí và các thủ tục hành chính không tăng. Các thủ tục vẫn sẽ thực hiện như từ trước đến nay vẫn làm".

Toàn cảnh phiên họp

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, trên thực tế, "đây không phải là tách luật" mà đây là quá trình làm luật, ngày càng đi vào cụ thể và càng quy định chi tiết các vấn đề luật pháp, nhất là liên quan đến quyền của con người, quyền của công dân.

Theo ông Tô Lâm, với Dự án Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông, là "luật phổ cập toàn xã hội, từ các cháu bé đang đi học đến các cụ già đều phải được tuyên truyền". Vì vậy cần phải dễ nhớ, dễ học, ngắn gọn… nếu dài sẽ khó học, khó triển khai và thực hiện. Vì vậy, nếu để chung với Luật Giao thông đường bộ; xây dựng hạ tầng và các quy định khác thì quá dài", ông Tô Lâm nói.

HH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/trach-nhiem-chinh-ve-bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-la-bo-cong-an-20201116175248428.htm