Trách nhiệm các bên như thế nào trong vụ 'trao nhầm con ở Ba Vì'?

Gần 6 năm trước đây, vào sáng 1-11-2012 tại Bệnh viện đa khoa Ba Vì, Hà Nội có 2 đứa trẻ chào đời, trong đó con trai chị Vũ Thị Hương (SN 1983, Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội) chào đời lúc 6h50', con trai anh Phùng Ngọc Sơn (thôn Vân Trai, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội) chào đời lúc 7h10'. Trong lúc trao con cho cả hai hộ gia đình, hộ sinh không cẩn thận dẫn đến nhầm con.

Sau 6 năm trời nuôi dạy con, 2 gia đình thấy những đứa trẻ có nhiều điểm bất thường nên đã đưa đi xét nghiệm ADN. Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy, cả 2 đứa trẻ đều không phải con đẻ của những người đang nuôi nấng.

Vụ trao nhầm con ở Bệnh viện đa khoa Ba Vì từ 6 năm trước khiến cả hai gia đình mệt mỏi.

Đến khi tìm hiểu sự việc thì kết quả cho biết bệnh viện đã trao nhầm con. Cả hai bên hộ gia đình đang băn khoăn về thủ tục nhận lại con đẻ của mình và trách nhiệm của Bệnh viện, trách nhiệm của hộ lý như thế nào khi xảy ra sự việc. Chúng tôi đã liên hệ với Ths-Luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng VPLS Hoàng Huy để tìm hiểu rõ hơn những rắc rối về mặt pháp lý liên quan đến vụ việc này.

Sự việc diễn ra cách đây 6 năm vì vậy, nguyên tắc áp dụng pháp luật thì sự kiện pháp lý xảy ra ở thời điểm nào thì áp dụng văn bản pháp luật ở thời điểm đó, cần lưu ý đến các trường hợp chuyển tiếp quy phạm pháp luật.

Việc để sự việc diễn ra trong trường hợp này cần xác định yếu tố lỗi trong việc trao nhầm con cho hai hộ gia đình.

Nếu xác định hành vi trao nhầm con của hai hộ gia đình là lỗi vô ý thì phải chịu trách nhiệm bồi thường, ở đây Bệnh viện đa khoa Ba Vì nơi các cháu sinh ra là cơ quan có trách nhiệm quản lý đối với trẻ sơ sinh trong quá trình sinh tại bệnh viện thì Bệnh Viện đa khoa Ba Vì phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với hai hộ gia đình theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2005.

Điều 618. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra

Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Điều 619. Bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra

Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ.

Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có trách nhiệm yêu cầu cán bộ, công chức phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu cán bộ, công chức có lỗi trong khi thi hành công vụ.

Và trách nhiệm bồi thường được xác định theo quy định tại Điều 307 Bộ luật dân sự năm 2005:

“1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.

2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

3. Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.”

Ths-Luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng VPLS Hoàng Huy.

Quyền nhận lại con đẻ, thủ tục thực hiện như thế nào?

Theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

Điều 88. Xác định cha, mẹ

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Điều 89. Xác định con

1. Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình.

2. Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.

Vì vậy, đối với hai hộ gia đình trên, bố mẹ có quyền nhận lại con của mình, nếu xác định có căn cứ xác định là con của mình. Trước tiên việc nhận con được thực hiện theo sự thỏa thuận của hai bên hộ gia đình. Trong trường hợp có sự tranh chấp về quyền nhận con hoặc một trong hai bên hộ gia đình không đồng ý cho hộ gia đình kia nhận lại con đẻ của mình thì có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền yêu cầu xác định người con đó là con của mình.

Thủ tục nhận lại con được thực hiện theo quy định của Luật hộ tịch:

Điều 25. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con

1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con

Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015

“1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng".

Trong trường hợp này nếu xác định việc trao nhầm con là do lỗi cố ý thì có thể xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự, và còn tùy vào mục đích của việc trao nhầm con của các hộ sinh tại bệnh viện mà truy tố về các tội hình sự khác nhau. Đối với hành vi diễn ra cách đây 6 năm thì áp dụng luật tại thời điểm diễn ra hành vi vi phạm truy cứu theo Điều 120 Bộ luật năm 1999 Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em.

Việt Cường

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giai-dap-phap-luat/trach-nhiem-cac-ben-nhu-the-nao-trong-vu-trao-nham-con-o-ba-vi-501294/