Trách nhiệm 6.126 tỷ đồng?

Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2, luật sư, đại diện BIDV, TPBank và Sacombank đồng loạt phản đối việc đại diện Viện kiểm sát (VKS) đề nghị thu hồi 6.126 tỷ đồng từ 3 NH trả về cho NH Xây dựng - VNCB (nay là CB).

Liên quan đến vụ việc, các chuyên gia nhận định cần nhìn rõ vào bản chất sự việc, để xác định trách nhiệm của các bên khi cho 29 công ty của Phạm Công Danh vay vốn với tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại 3 NH này.

NH phản đối thu hồi

Tại phiên xét xử vụ Phạm Công Danh vào tháng 1-2018, đại diện VKS đã đề nghị thu hồi hơn 6.126 tỷ đồng từ BIDV, Sacombank, TPBank cho VNCB để khắc phục hậu quả. Theo cáo buộc, từ năm 2013 đến 2014, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới tại VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh dùng 29 pháp nhân để lập hồ sơ vay tiền tại 3 NH, và dùng tiền của VNCB (hơn 6.600 tỷ đồng) gửi vào các NH này để bảo lãnh.

Do các công ty này không trả được nợ hoặc có vi phạm so với thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng, nên 3 NH yêu cầu VNCB thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ vay. Theo VKS, hành vi này của Phạm Công Danh đã gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.126 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, VKS đã đề nghị cơ quan điều tra thu hồi tài sản từ 3 NH là Sacombank, BIDV và TPBank để trả về cho VNCB, nhưng cơ quan điều tra chưa thực hiện.

Tại phiên tranh tụng ngày 22-1, VKS đề nghị HĐXX xem xét, thu hồi khoản tiền hơn 6.126 tỷ đồng từ 3 NH Sacombank, BIDV và TPBank để trả lại cho VNCB. Việc này đã gây ra tranh cãi. Tại phiên tòa diễn ra chiều 31-7, luật sư đại diện của BIDV, TPBank và Sacombank khẳng định các giao dịch tiền gửi, hợp đồng tín dụng, cầm cố tài sản đảm bảo giữa NH và VNCB đều có giá trị pháp lý đầy đủ. Luật sư đại diện Sacombank cũng đề nghị HĐXX lưu ý kiến nghị của Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA) đã gửi tới phiên tòa tháng 1-2018.

Bị cáo Phạm Công Danh bị dẫn giải tại phiên tòa xét xử hôm 31-7.

Cụ thể, trước đó VNBA đã có văn bản gửi lãnh đạo một số cơ quan Chính phủ và HĐXX đại án Phạm Công Danh về một số nội dung liên quan đến vụ án này. Theo VNBA, kết luận giám định của Tổ giám định độc lập của NHNN khẳng định 3 NH này đã thực hiện việc thu hồi nợ vay của khách hàng đúng quy định và thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký. Việc thực hiện như kiến nghị của đại diện VKS sẽ tạo tiền lệ bất lợi, gây khó khăn, cản trở cho hoạt động của các NH.

Theo pháp luật hiện hành, các NH cho vay không có trách nhiệm phải tìm hiểu và xác minh nguồn gốc số tiền trên tài khoản thanh toán của bên vay trước khi thu nợ. Nếu buộc các NH phải xác minh về nguồn gốc số tiền thu nợ sẽ phát sinh nhiều khó khăn, thủ tục hành chính và chi phí cho NH và khách hàng.

Giao dịch phát sinh từ các hợp đồng tín dụng của các NH với khách hàng là giao dịch hợp pháp, việc thu nợ từ tài khoản của bên có nghĩa vụ được pháp luật bảo vệ. Việc thực hiện yêu cầu trên sẽ không bảo đảm quyền và lợi ích của các NH theo quy định của pháp luật.

Cũng theo VNBA, việc thực hiện như kiến nghị của đại diện VKS có thể dẫn đến hàng loạt giao dịch vay vốn, gửi tiền với giá trị nhiều tỷ đồng có nguy cơ xảy ra tranh chấp, xáo trộn các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại hợp pháp, hợp lệ đang vận hành bình thường.

Theo đó, số tiền đã thu nợ hợp pháp, hợp lệ và được tất toán từ nhiều năm trước có thể bị bên vay đòi lại vì cho rằng nguồn tiền đã trả nợ không hợp pháp, hoặc bị thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này làm gia tăng rủi ro pháp lý không dự liệu được cho các TCTD, khách hàng vay và người gửi tiền, xáo trộn môi trường kinh doanh, khách hàng mất niềm tin vào TCTD, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của hệ thống NH. Ngoài ra, các TCTD, nhất là TCTD nước ngoài sẽ không an tâm hoạt động, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Cần xem xét làm rõ nhiều điều
Xung quanh vụ việc này, TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM nêu quan điểm, về bản chất của hoạt động bảo lãnh, khi con nợ (tức 29 công ty) không có khả năng trả nợ, NH sẽ dùng tài sản đảm bảo để xử lý. Tuy nhiên, vấn đề này phải đặt trong tổng thể để xem xét nhiều yếu tố và những điểm đã vi phạm.

Theo Luật TCTD năm 2010, ông Danh không thể cho 29 công ty của mình vay, nên đã lách luật để cho vay qua 3 NH trên. Về hợp đồng vay, ông Danh dùng tiền gửi của VNCB tại 3 NH này để bảo lãnh cho 29 công ty vay tiền. Nói cách khác, ông Danh đã dùng chính số tiền của NH để cho chính mình vay bằng cách đi đường vòng qua NH khác. Như vậy, hợp đồng này đã vi phạm pháp luật. Do đó, về bản chất kinh tế và pháp lý, tòa hoàn toàn có thể tuyên hợp đồng này vô hiệu.

Trao đổi với ĐTTC, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH chia sẻ, dựa trên nguyên tắc cẩn trọng khi cho vay cần phải xem xét trách nhiệm của 3 NH này trong 2 vấn đề. Thứ nhất, khi 3 NH nhận dùng tiền gửi của VNCB để đảm bảo món vay cho 29 công ty của ông Phạm Công Danh phải nghiên cứu khả năng trả nợ của 29 công ty đó.

Đồng thời, họ phải hiểu quan hệ giữa ông Danh, VNCB và các công ty đó cũng như mục đích vay tiền của 29 công ty này. Trong trường hợp 3 NH không tìm hiểu, chỉ dựa vào tài sản thế chấp để cho vay, họ đã vi phạm nguyên tắc cẩn trọng khi cho vay. Tức 3 NH đã không quan tâm đến nguồn hoàn trả thứ nhất (khả năng trả nợ, hoạt động kinh doanh, nguồn tiền trả nợ của các công ty đó), chỉ quan tâm đến nguồn hoàn trả thứ hai là tài sản bảo đảm. Bởi lẽ, khi cho vay, các NH phải xem nguồn hoàn trả thứ nhất sau đó mới xem đến nguồn hoàn trả thứ hai.

Thứ hai, cần xem xét tiền gửi của VNCB đem thế chấp là tiền do NH sở hữu hay tiền gửi của khách hàng. Bởi vì tài sản người khác gửi cho NH, NH không có quyền đem đi thế chấp, chỉ có thể thế chấp tài sản chính mình sở hữu. Khi 3 NH này nhận tài sản thế chấp là tiền gửi của VNCB, trách nhiệm của họ là phải biết tiền đó VNCB có sở hữu hay không.

Trường hợp đó là tiền khách hàng gửi cho VNCB và 3 NH này biết rõ nhưng vẫn chấp nhận khoản tiền đó làm tài sản đảm bảo, họ cũng sai nguyên tắc về nhận tài sản thế chấp cũng như nguyên tắc thận trọng trong cho vay.

Theo pháp luật dân sự, khi hợp đồng kinh tế vô hiệu, các bên sẽ trả cho nhau những gì đã giao và nhận. Như vậy 29 công ty của ông Danh phải trả tiền lại cho 3 NH, và 3 NH sẽ trả lại tiền cho VNCB, không phải 3 NH được quyền xử lý tài sản này. Tức 3 NH muốn thu hồi nợ phải lấy tiền từ 29 công ty, không được lấy tiền từ VNCB, yêu cầu của VKS là đúng theo bản chất vấn đề. Còn VNBA bảo vệ quyền lợi NH nên lý giải từ góc độ nghiệp vụ NH, các quy định về hợp đồng bảo lãnh và cho vay. Theo đó, các NH cho vay và không thu hồi được nợ từ 29 công ty, nên xử lý tài sản bảo đảm là đúng. Song lý giải đó chưa đúng bản chất vấn đề.

TS. BÙI QUANG TÍN

Yên Lam

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/tai-chinh/trach-nhiem-6126-ty-dong-60315.html