Trắc trở một nhà ga

Dự án đường sắt đô thị số 2 Hà Nội (chạy qua Hồ Gươm) lại vừa nhận được tín hiệu 'đèn đỏ' từ Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Dựa trên cơ sở tham vấn ý kiến hàng loạt chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực, Ủy ban này khẳng định: ga ngầm C9 - một hợp phần quan trọng của dự án đường sắt đô thị số 2 - được đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu 'không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm thủ đô'.

Khởi động từ hơn một chục năm trước, năm 2008, Liên danh tư vấn TEDIS và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) trên cơ sở kế thừa kết quả các nghiên cứu hỗ trợ của JICA. Tháng 11-2008, báo cáo nghiên cứu khả thi được UBND Hà Nội phê duyệt, là cơ sở để Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản ký hiệp định vay vốn cho dự án này. Tuyến đường dài 11,5 km, với 3 ga trên cao, 7 ga ngầm.

Tuy nhiên, trong suốt 10 năm qua, dự án này gặp nhiều trắc trở. Tổng vốn đầu tư dự án đã phải 2 lần điều chỉnh rất lớn (kế hoạch mới nhất là 35.678 tỷ đồng), mà một nguyên nhân quan trọng là do tính chất phức tạp, công nghệ mới, lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam, nên quá trình thực hiện các thủ tục cũng như công tác thẩm định, thẩm tra đã kéo dài hơn rất nhiều so với dự kiến. Riêng ga C9 ở gần Hồ Gươm còn phải tuân thủ Luật Di sản.

Về nhà ga “nhạy cảm” này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã 4 lần có ý kiến góp ý, cơ bản thống nhất về vị trí đặt ga và các công trình phụ trợ song yêu cầu Hà Nội “xem xét để không ảnh hưởng đến các hạng mục và cảnh quan di tích”. Năm 2017, sau khi Bộ Văn hóa yêu cầu Hà Nội nghiên cứu xê dịch hướng tuyến tàu điện bên dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng, để hạn chế ảnh hưởng đến Tháp Bút và cảnh quan Hồ Gươm, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu tiếp tới… 10 phương án, song hầu hết vẫn không khả thi, do chạm móng cọc nhiều nhà cao tầng. Vì lẽ đó, Hà Nội kiến nghị giữ nguyên phương án tuyến và vị trí ga C9 như ban đầu.

Tháng 3-2018, Ban Quản lý đường sắt đô thị tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân về quy hoạch tổng mặt bằng ga C9 và phỏng vấn các chuyên gia để hoàn thiện quy hoạch nhà ga này thì vẫn mắc – như đã nêu trên.

Điều đáng lo ngại ở đây là nếu tất cả các cơ quan chức năng không cùng tập trung tháo gỡ sớm vướng mắc này thì không chỉ làm sứt mẻ niềm tin của người dân và nhà tài trợ mà khả năng công trình tiếp tục bị “đội” vốn là rất lớn. Trong khi đó, Hiệp định vay vốn với Chính phủ Nhật Bản được ký kết năm 2009 sẽ hết hạn vào tháng 7-2019.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/trac-tro-mot-nha-ga.aspx