Trà Vinh: Cả đời chỉ làm một thứ-mặt nạ của người Khmer

Mão, mặt nạ của người Khmer là tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thường được sử dụng trong các loại hình văn hóa Khmer như hát rằm hay ca kịch,…Khi biểu diễn các loại hình nghệ thuật này, diễn viên phải đeo mặt nạ và đội mão theo từng vai diễn...Ông Lâm Phen (Xã Lương Hòa, Huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) dành cả đời chỉ để làm một thứ-mặt nạ của người Khmer.

Đam mê nghề từ nhỏ

Theo thời gian, nghề chế tác mão, mặt nạ truyền thống của người Khmer có nhiều thăng trầm, và dần đứng trước nguy cơ bị mai một. Thế nhưng tại vùng đất Châu Thành, Trà Vinh lại có 1 một nghệ nhân đã gắn bó hơn nửa đời mình với nghề chế tác mão, mặt nạ.

Người làm ra những chiếc mão, mặt nạ vô cùng độc đáo và tinh xảo này là ông Lâm Phen (Xã Lương Hòa, Huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), một trong số ít những người am hiểu tường tận và có tay nghề cao về chế tác mão, mặt nạ.

Nghệ thuật chế tác mão, mặt nạ vốn mang tính cha truyền con nối và tuyệt nhiên không truyền ra ngoài. Dù là người trong nghề nhưng điều thú vị là ông Lâm Phen không học làm mão, mặt nạ từ cha mình.

Nhờ đam mê từ nhỏ, ông Lâm Phen trở thành một nghệ nhân chế tác mặc nạ, mão có tiếng. Ảnh: Mai Anh.

Nhờ đam mê từ nhỏ, ông Lâm Phen trở thành một nghệ nhân chế tác mặc nạ, mão có tiếng. Ảnh: Mai Anh.

Vốn đam mê từ thuở nhỏ, nhưng mãi đến năm 22 tuổi trong quá trình tham gia bộ đội và phục vụ tại Campuchia ông mới có dịp tiếp cận với nghề. Trong thời gian rãnh rỗi ông Phen thường tìm đến nơi người dân Campuchia làm nghề để học nghề trong suốt 3 năm. Sau khi xuất ngũ trở về, để thỏa mãn niềm đam mê, ông chọn nghề chế tác mão, mặt nạ để gắn bó.

Ông Phen cho biết: “Làm mặt nạ là sở thích của tôi từ nhỏ. Hồi nhỏ tôi có làm chơi thôi, làm mặt chằng theo suy nghĩ của mình nhưng nó chưa đạt. Sau này cũng cố gắng tìm tòi học hỏi, cộng thêm tìm tài liệu để mình làm cho chuẩn hơn”.

Ông Lâm Phen cải tiến khuôn chế tạo mặc nạ, mão mang hiệu quả cao hơn. Ảnh: Mai Anh.

Theo ông Phen, trước đây để có được chiếc mão, mặt nạ truyền thống người chế tác phải mất rất nhiều công sức và thời gian đi tìm nguyên vật liệu và thực hiện các công đoạn. Nếu trước đó người thợ phải làm khuôn bằng đất sét và chỉ dùng được 1 lần, thì hiện nay ông đã cải tiến thành khuôn bằng xi măng. Loại khuôn này không chỉ sử dụng được nhiều lần mà khi hoàn thành có thể lấy mão, mặt nạ ra dễ dàng.

Cụ thể, ông Phen đã tận dụng vé số ít thấm nước và có độ bền cao hơn để làm khuôn. Thông thường để tạo nên một chiếc mão hay mặt nạ cần phải dán từ 8-12 lớp và cần đến từ 800 – 1.200 tấm vé số cho 1 sản phẩm. Nói thì dễ nhưng công đoạn nào cũng đòi hỏi người thợ phải hết sức tỉ mỉ.

“Mình làm mặc nạ phải có ý tưởng và tính nghệ thuật. Chằng nó hung thì phải đem hoa văn phù hợp để làm cho ra cái hồn nhân vật. Nếu mình không biết chế tác cho ra cái chất thì khán giả sẽ không hiểu” - ông Phen chia sẻ.

Sẵn sàng truyền nghề

Nói về việc giữ nghề, ông Phen trăn trở: “Ngày càng lớn tuổi sức khỏe càng yếu, tôi cũng rất lo và tiếc cái nghề này. Nếu có con cháu nào yêu thích, tôi sẵn sãng truyền lại, nhằm giữ gìn nét văn hóa dân tộc của mình”.

Mỗi chiếc mặc nạ, mão của người Khmer được người thợ chế tác công phu và tỉ mỉ. Ảnh: Mai Anh.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Sang (ngụ ấp Hiếu Trung, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Thấy thầy Lâm Phên sản xuất mặt chằng này để các cháu lên sân khấu biểu diễn, phát triển văn hóa của dân tộc Khmer tôi rất mừng. Ông Phen làm theo cách riêng nhưng vẫn ra cái chất, nghệ sỹ đeo mặt nạ để múa, mọi người trong xóm ấp ai cũng khen”.

Chế tác mão, mặt nạ đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế vì nó có nét độc đáo riêng. Vì thế, đam mê thôi vẫn chưa đủ mà còn đòi hỏi người thợ phải hết sức sáng tạo và tỉ mỉ trong từng chi tiết dù là nhỏ nhất.

Ông Lâm Phen mong muốn truyền nghề cho thế hệ trẻ để giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Khmer. Ảnh: Mai Anh.

Dù nguyên liệu hiện nay dễ tìm hơn, nhưng việc chế tạo mão, mặt nạ không hề dễ dàng nếu như không say mê yêu thích. Với người lành nghề như ông Lâm Phen, một chiếc mão hay mặt nạ có thể hoàn thành trong khoảng 4 ngày, nhưng đối với người mới học có thể mất cả tháng trời.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề và dù đã qua tuổi 60, nhưng ông Phen vẫn gánh trọng trách duy trì những nét văn hóa cổ xưa, trong đó có cả việc truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Mai Anh - Ngọc Quyên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/tra-vinh-ca-doi-chi-lam-mot-thu-mat-na-cua-nguoi-khmer-955922.html